Thứ Tư, Tháng 4 16, 2025
Home Chưa phân loại Số hóa và AI: ‘Chìa khoá’ mới cho chuyển dịch năng lượng

Số hóa và AI: ‘Chìa khoá’ mới cho chuyển dịch năng lượng

by Bút Chì
Số hóa và AI: “Vũ khí” mới cho chuyển dịch năng lượng

Số hóa và AI sẽ là động lực chính cho chuyển dịch năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tối ưu hóa cơ cấu năng lượng.

 

 

Xu hướng tất yếucho các ngành công nghiệp

Chiều 10/4, tại Hải Phòng, Schneider Electric chính thức khởi động chuỗi sự kiện Hội nghị đổi mới sáng tạo thường niên tại Việt Nam – Innovation Day 2025 với chủ đề “Tăng trưởng quy mô sản xuất bền vững thông qua số hóa và AI”.

Số hóa và AI: “Vũ khí” mới cho chuyển dịch năng lượng
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia – Ảnh: Q.N

Theo các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị, số hoá và trí tuệ nhân tạo (AI) là xu hướng tất yếu cho các ngành công nghiệp đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Khảo sát dữ liệu và phân tích của Forrester vào năm 2022 chỉ ra rằng 73% các nhà ra quyết định về dữ liệu và phân tích đang xây dựng công nghệ AI và 74% ghi nhận tác động tích cực tại doanh nghiệp.

Nghiên cứu của IDC cũng cho thấy, các công ty công nghiệp theo đuổi tính bền vững một cách chiến lược, kết hợp với chương trình chuyển đổi kỹ thuật số dài hạn có hiệu suất vượt trội hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh.

Chuyển đổi số được triển khai thông qua các ứng dụng phần mềm được hỗ trợ bởi AI, đang tạo ra bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao mức độ tương tác với khách hàng, tăng năng suất, cải thiện tính bền vững và tiết kiệm chi phí trong các ngành công nghiệp cần đầu tư lớn vào tài sản như sản xuất, điện – nước và logistics.

Ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia khẳng định, chúng tôi tin rằng số hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực chính cho chuyển dịch năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tối ưu hóa cơ cấu năng lượng để giảm lượng khí thải và phá bỏ các rào cản chuyển đổi năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững.

Số hóa và AI: “Vũ khí” mới cho chuyển dịch năng lượng
Hội nghị đổi mới sáng tạo thường niên tại Việt Nam – Innovation Day 2025 – Ảnh: Q.N

Theo ông Đồng Mai Lâm, khi chúng ta nói về đổi mới sáng tạo, nghĩa là chúng ta nói về việc tạo ra hoặc áp dụng những công nghệ mới, những sản phẩm, dịch vụ mới hay cải tiến để tạo ra những giá trị mới. Tuy nhiên, chỉ đổi mới sáng tạo là chưa đủ, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có rất nhiều sự thay đổi, xu thế mới, lớn đang diễn ra.

“Bằng cách kết hợp giữa số hóa, tự động hóa và điện hóa, chắc chắn chúng ta có thể có những đổi mới sáng tạo trong một tương lai bền vững hơn” – ông Lâm nói.

Công nghệ có thể giúp loại bỏ 70% phát thải carbon

Chia sẻ cụ thể về những thách thức và cơ hội trong bối cảnh 5 xu hướng lớn đang tái định hình thế giới, vai trò của việc tích hợp số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững, ông Đồng Mai Lâm phân tích, xu thế đầu tiên là sự cân bằng toàn cầu mới.

Trong thời gian dài chúng ta đều tin rằng, toàn cầu hóa là xu thế của tương lai, tuy nhiên xu thế này đang dần thay đổi và tạo ra một sự cân bằng mới. Sau đại dịch Covid-19 cộng với tình hình phức tạp từ chính trị trên toàn cầu, chiến tranh thương mại dẫn đến việc bảo hộ thương mại đang diễn ra khắp mọi nơi, cùng với cuộc khủng hoảng về chuỗi cung ứng đang chưa có dấu hiệu dừng lại, làm cho mọi thứ ngày càng trở nên bất ổn hơn và khó đoán hơn.

Vì vậy, xu hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, nội địa hóa, hồi sinh các ngành sản xuất quan trọng đang diễn ra ở khắp mọi nơi. 81% các công ty lớn đã và đang áp dụng một phương pháp tiếp cận mới, gọi là năng lực cung ứng kép, nghĩa là tạo nên một nguồn cung ứng thứ hai trong chuỗi giá trị của mình.

Chúng tôi nhìn thấy một tương lai sẽ thay đổi, chuỗi cung ứng sẽ nhanh hơn, hoạt động vận chuyển giữa các khu vực địa lý trên thế giới sẽ được giảm thiểu, từ đó thúc đẩy và duy trì một trạng thái cân bằng toàn cầu mới.

“Để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách áp dụng công nghệ mới, tăng cường sự hợp tác và thực hành phát triển bền vững” – ông Lâm cho hay.

Xu thế thứ hai đó là sự dịch chuyển về sự thịnh vượng. Ông Lâm cho rằng, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc dịch chuyển về sự thịnh vượng tới những khu vực mà chưa từng nghĩ tới.

Nhu cầu năng lượng trong tương lai sẽ chủ yếu tập trung ở những khu vực như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi… Đây là những khu vực đang gia tăng dân số một cách nhanh chóng, dự kiến đến năm 2050, sẽ có hơn 1,3 tỷ người ở Ấn Độ và châu Phi.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tỷ lệ người dân chuyển đến sinh sống ở các thành phố lớn ngày càng tăng, dự kiến sẽ tăng thêm 2,1 tỷ người trong vòng 25 năm tới. Từ đó, sẽ cần nhà cửa, không gian văn phòng, không gian công cộng, nhà máy… để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và làm việc.

Xu thế tất yếu thứ ba là sự biến đổi khí hậu. Sự dịch chuyển về sự thịnh vượng mang đến những cơ hội to lớn, nhưng đồng thời cũng tạo ra những lo lắng, thách thức về biến đổi khí hậu. Tất cả các công trình, tòa nhà, các hoạt động sử dụng năng lượng cần phải đảm bảo được tính bền vững.

Số hóa và AI: “Vũ khí” mới cho chuyển dịch năng lượng
Nhiều sản phẩm, giải pháp dành cho các ngành công nghiệp thông minh và cơ sở hạ tầng bền vững được giới thiệu tại hội nghị – Ảnh: Q.N

Xu thế thứ tư là số hóa và trí tuệ nhân tạo. Để tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đòi hỏi chúng ta phải có những chuyển đổi mang tính nền tảng.

Quá trình số hóa và áp dụng các công nghệ AI hiện có sẽ giúp ích rất nhiều cho sự chuyển đổi này. Chúng ta cần tìm các giải pháp sáng tạo để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Những giải pháp này được hỗ trợ bởi xu hướng lớn là số hóa và AI. Những tác động tích cực về môi trường và tương lai bền vững sẽ phải dựa trên dữ liệu và cách chúng ta sử dụng các dữ liệu đó.

“Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phổ biến, những cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo đang diễn ra ở khắp mọi nơi” – ông Lâm nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, khi Word Wide Wed ra đời, chúng ta phải mất 7 năm để đạt được 100 triệu người dùng, trong khi đó, với trí tuệ nhân tạo, chúng ta chỉ mất 2 tháng để đạt 100 triệu người dùng. Công nghệ AI đang phát triển cực nhanh và đang có những tác động sâu rộng tới tất cả các ngành, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

“Sự phát triển mạnh mẽ này nhờ vào nguồn lực lớn các dữ liệu đang được tạo ra một cách tự động và số lượng thiết bị IoT sẽ tăng gấp 6 lần trong vòng 10 năm, cùng với đó là tất cả các thông tin dưới mọi hình thức đều được số hóa” – ông Lâm thông tin.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cần phải được thực hiện một cách bền vững, bởi việc phát triển nhiều trung tâm dữ liệu sẽ đòi hỏi một hệ thống làm mát hiệu quả hơn và phải sử dụng nguồn năng lượng một cách hiệu quả nhất. Dự kiến, trong 5 năm tới mức tiêu thụ năng lượng trong các trung tâm dữ liệu sẽ tăng lên 1,6 lần so với hiện tại.

Đây là một con số khổng lồ. Vì thế, chúng ta cần xây dựng một tương lai với trí tuệ nhân tạo một cách bền vững, ứng dụng công nghệ một cách tự động, đồng thời sử dụng năng lượng hiệu quả.

Xu thế thứ năm là chuyển dịch năng lượng. Theo ông Lâm, khi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thách thức lớn nhất phải đối mặt là vấn đề phát thải carbon. 80% lượng phát thải carbon đến từ viêc sử dụng năng lượng. Dân số sẽ tiếp tục gia tăng đến năm 2050, cụ thể, trên toàn cầu sẽ có thêm 2 tỷ người cộng thêm 1 tỷ người hiện tại chưa được tiếp cận nguồn năng lượng tin cậy.

Trong khi khả năng tiếp cận năng lượng là cơ sở để đảm bảo chất lượng cuộc sống và cũng là tiền đề cho khả năng tiếp cận số hóa. Song vấn đề đặt ra, một mặt chúng ta cần giảm thải việc sử dụng năng lượng nhưng mặt khác phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn.

Để giải quyết bài toán đó, ông Lâm nêu rõ, các công nghệ hiện tại có thể giải quyết được cả hai vấn đề này, các công nghệ hiện có có thể giúp loại bỏ 70% phát thải carbon trong chuỗi mắt xích năng lượng.

Trong khuôn khổ hội nghị đã trưng bày các giải pháp bao gồm thiết bị, phần mềm kết nối và dịch vụ mới dành cho các ngành công nghiệp thông minh và cơ sở hạ tầng bền vững. Đặc biệt, là các giải pháp, sản phẩm giúp tối ưu vận hành, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm hao phí, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và phát triển bền vững.

Theo

Báo Công Thương

TIN TỨC QUẢNG NINH

Tintucquangninh.com là cổng thông tin điện tử hàng đầu, chuyên tổng hợp và cung cấp tin tức đầy đủ, đa chiều về tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu trở thành cầu nối thông tin đáng tin cậy, trang web không ngừng cập nhật những tin tức mới nhất, nhanh chóng và chính xác nhất, từ các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa đến đời sống xã hội.

@2024 – All Right Reserved. Ghi rõ nguồn khi trích dẫn thông tin từ Tintucquangninh.com