Ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc dịp lễ Quốc tế Lao động luôn trong tình trạng quá tải, nhiều điểm khách phải xếp hàng 2 tiếng mới vào được.
Những ngày qua, người dân Trung Quốc đã trải qua kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày.
Dịp lễ 1/5 không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, mà còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa. Vì vậy, các điểm du lịch nổi tiếng ở nước này cũng lâm vào tình trạng quá tải.
Tranh thủ kỳ nghỉ ngắn ngày sau khi hoàn thành luận văn thạc sĩ tại Trung Quốc, chị Thùy Ngân (34 tuổi) cùng một nhóm bạn đến từ Việt Nam đã đặt tour lẻ 1 ngày tham quan Bát Đạt Lĩnh – đoạn trường thành đẹp nhất trong hơn 21.000km của Vạn Lý Trường Thành – nằm cách nội thành Bắc Kinh khoảng 80km.

Du khách được phân luồng qua nhiều đoạn trước khi vào được nơi soát vé cáp treo (Ảnh: Trần Thành Công).
Khởi hành từ trung tâm thành phố lúc 9h, sau hơn 2 tiếng di chuyển bằng xe buýt, chị Ngân mới tới được cổng khu du lịch. Trước mắt chị là một hàng dài du khách, chủ yếu là người Trung Quốc, đang xếp hàng chờ vào tham quan.
Để tránh tình trạng chen lấn, khu vực lối vào được ban quản lý phân luồng theo hình zích zắc giống như ở sân bay.
Chị Ngân và bạn bè phải nhích từng bước trong dòng người đông đúc. Di chuyển qua trạm đầu tiên, du khách men theo lối đi có mái che để tới khu soát vé.
“Chúng tôi phải xếp hàng 2 tiếng, với tổng quãng đường gần 2km mới tới được cổng soát vé để lên cáp treo trong tình trạng chân mỏi nhừ, bụng đói. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, tôi vẫn bất ngờ vì lượng khách quá đông”, chị Ngân chia sẻ.
Vé đi cáp treo khứ hồi là 140 nhân dân tệ/người (hơn 500.000 đồng/người). Mỗi cabin chứa được 8 người, đưa khách từ chân núi lên độ cao hơn 800m.
Bước ra khỏi cabin cáp treo, chị Ngân ngao ngán trước cảnh tượng hàng nghìn du khách chen kín lối lên các bậc thang dẫn tới tháp canh. Có những đoạn đường hẹp đến mức, chị và bạn phải nhích từng bước, thậm chí dừng lại nhiều lần vì dòng người phía trước gần như đứng yên.

Dòng người ken đặc tại lối leo lên các tháp canh (Ảnh: Trần Thành Công).
“Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ thế nào là “biển người”. Phía trước và phía sau lưng đều có người. Hai bên tường thành là dãy dài du khách tranh thủ chụp ảnh để đánh dấu được đặt chân đến một trong những di tích nổi tiếng của Trung Quốc”, chị bày tỏ.
Đoạn tường thành Bát Đạt Lĩnh được xây dựng năm 1505, dưới thời nhà Minh. Năm 1953, khu vực này được mở cửa cho du khách lần đầu tiên.
Tổng chiều dài của đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Bát Đạt Lĩnh là 12km, trong đó, phần mở cửa cho khách tham quan là 3,7km. Có 43 tháp canh ở khu vực này, trong đó có 19 tháp canh cho du khách vào. Thành lũy cao 6-9m, chiều rộng lối đi khoảng 7m.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại thành phố Thiên Tân – một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc – lượng khách đổ về đông khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm lâm vào cảnh tắc nghẽn.
Với lợi thế nằm cách Bắc Kinh chỉ 30 phút di chuyển bằng tàu cao tốc, nhiều du khách chọn du lịch Thiên Tân 2 ngày 1 đêm, kết hợp tham quan, thưởng thức món ẩm thực và mua sắm.

Phía trước căn nhà gốm sứ, du khách xếp hàng dài lần lượt di chuyển (Ảnh: Trần Thành Công).
Một trong những khu vực đón lượng khách lớn ở Thiên Tân là ngôi nhà gốm sứ nằm ở số 72 đường Xích Phong. Lực lượng bảo vệ đã phải dựng hàng rào phân luồng, tránh gây tắc nghẽn.
Càng về trưa, dòng người đổ về mỗi lúc một đông khiến khu vực trước ngôi nhà trở nên quá tải. Nhiều du khách chỉ kịp giơ điện thoại hoặc máy ảnh chụp vội vàng do hàng nghìn người phía sau chờ đến lượt.

Ngôi nhà được trang trí nhiều mảnh gốm sứ (Ảnh: Trần Thành Công).
Ngôi nhà sứ là bảo tàng tư nhân được trang trí với 400 triệu mảnh gốm sứ, 13.000 bình, đĩa, bát sứ các loại. Đồ sứ ở đây có niên đại từ đời nhà Đường khoảng thế kỷ thứ 7 đến thời nhà Thanh (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20).
Giá phòng những ngày nghỉ lễ ở Thiên Tân cũng tăng 20%-30% so với tuần trước.
“May mắn tôi đã đặt phòng sớm nên chỉ tốn 300 nhân dân tệ/đêm (hơn 1 triệu đồng). Vào các ngày chính thức nghỉ lễ, giá phòng đã tăng lên 450 nhân dân tệ/đêm (1,6 triệu đồng)”, anh Huy (du khách đến từ Việt Nam) chia sẻ.
Trong khi đó, tại núi Thái Sơn (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), 32.000 du khách đã đi qua lối vào Hồng Môn để bắt đầu leo núi từ lúc nửa đêm.
Thái Sơn là ngọn núi với các đỉnh có độ cao dao động từ 150m đến 1.545m. Đây là một trong 5 ngọn núi linh thiêng nhất của Trung Quốc
Chị Xiao Lin – du khách đến từ tỉnh Giang Tô – than thở: “Ở độ cao 1.400m của núi Thái Sơn, mật độ đông đến mức 3-4 người/m2, có những đoạn mất 3 tiếng đồng hồ mới di chuyển được 500m”.
Wang Lui – sinh viên đại học ở Bắc Kinh – chưa hết ám ảnh cảnh du khách chen chúc nhau tại núi Thái Sơn. Ở một số đoạn dốc đứng, dòng người phía sau liên tục xô đẩy khiến người phía trước phải bám chặt vào lan can để tránh nguy hiểm.
“Cảnh đông đúc như mọi người đang đổ xô đi mua hàng giảm giá tại siêu thị”, nam sinh viên nói.

Hàng nghìn người chen chúc trên núi Thái Sơn ở Sơn Đông, Trung Quốc (Ảnh: WB).
Trong ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ Quốc Tế Lao động, đất nước tỷ dân vẫn chứng kiến số lượng khách di chuyển bằng các phương tiện giao thông trên cả nước tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tính riêng các tuyến đường sắt khắp Trung Quốc, lượng hành khách tăng 8,7%.
Dữ liệu từ một website chuyên đặt phòng khách sạn ở Trung Quốc cho thấy, tại một số địa phương, lượng khách đặt phòng khách sạn cao cấp tăng 30% so với cùng kỳ. Du khách ngày càng ưa chuộng các trải nghiệm độc đáo như tham quan động vật hoang dã hoặc thong thả nghỉ dưỡng kết hợp khám phá thiên nhiên.
Trong đó, các thành phố như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), Thượng Hải… thu hút gần 60% khách du lịch ở nước này trong kỳ nghỉ Quốc Tế Lao Động.
Dữ liệu đặt phòng từ nền tảng Tuniu cho thấy, dịp này, 62% du khách ở Trung Quốc chọn hành trình 3-5 ngày, có 10% du khách chọn kỳ nghỉ kéo dài hơn 6 ngày nhờ kết hợp thêm ngày nghỉ phép.
Theo