Với những chính sách kịp thời, phù hợp từ chính quyền tỉnh Quảng Ninh, các chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng.
Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, kết quả công tác năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, trong đó ghi nhận những kết quả tích cực từ các chỉ số phát triển công nghiệp.
Năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn, phát sinh một số vấn đề vượt ngoài dự báo, gần đây nhất là cơn bão số 3 lịch sử, tỉnh phải triển khai khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, yếu kém, khuyết điểm được chỉ ra, song Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã bám sát sự chỉ đạo của trung ương, thực tiễn địa phương và chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, phát huy ý chí tự lực, tự cường; giữ vững được sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách; đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Đáng chú ý, về phát triển kinh tế đạt một số kết quả quan trọng. Tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt 100% dự toán. Thu hút FDI đạt hơn 2 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm % so cùng kỳ. Tổng khách du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 19 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt; tổng thu du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 28.310 tỷ đồng. Năm 2024 cũng là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI và tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu các chỉ số PAR Index, SIPAS, ICT.
Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế. Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song Quảng Ninh vẫn tiếp tục đặt mục tiêu giữ vững tăng trưởng hai con số. Hiện Quảng Ninh đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng. Đồng thời, tháo gỡ, giải quyết tối đa các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn. Giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, kinh doanh, cấp phép, thuế, tín dụng, thông quan hàng hóa, làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…
Cùng với đó, Quảng Ninh yêu cầu ngành Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, tập trung vào thị trường xuất khẩu; chủ động nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn ngành than, ngành điện; phấn đấu giá trị tăng thêm ngành khai khoáng bằng 99,52% so cùng kỳ; làm việc cụ thể với từng công ty than, nhà máy điện, các doanh nghiệp bột mỳ, dầu thực vật tại Khu công nghiệp Cái Lân để phấn đấu giá trị than sạch, điện sản xuất, dầu thực vật, bột mỳ… đạt sản lượng cao nhất trong tháng 11, 12 năm 2024, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng khu vực công nghiệp năm 2024 tăng 7,92% so cùng kỳ…
Về thời gian nhiệm vụ trong năm 2025, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu trong năm 2025, trước hết, phải lựa chọn chủ đề công tác năm tới, nội dung tập trung chính vào tạo bứt phá kinh tế – xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương là: Phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Từ nay đến cuối năm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải tập trung cao độ, nỗ lực quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu cả năm 2024 ở mức cao nhất. Trong đó, phải có những giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là ngành than và một số lĩnh vực vẫn còn dư địa.
Đến nay, Quảng Ninh đã triển khai nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng hàng Việt. Qua đó, góp phần tạo “đòn bẩy” hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế của “đất mỏ”.
Để có định hướng về lộ trình phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025, phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9 – 9,5%/năm và đóng góp khoảng 10 – 12%/năm giai đoạn 2026 – 2030; đến năm 2030, đóng góp khoảng 15% vào kinh tế của tỉnh. Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2022 – 2025 đạt tốc độ tăng bình quân 17 – 18%/năm; giai đoạn 2026 – 2030, tốc độ tăng bình quân từ 15 – 16%/năm…
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh cũng đã tổ chức 1 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; 2 chương trình xúc tiến thương mại cấp tỉnh; 2 tuần hàng Việt; tham gia 2 chương trình xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Đà Nẵng; 2 hội nghị kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP; tổ chức 7 chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh… nhằm kích cầu tiêu dùng sản phẩm “Made in Quảng Ninh”.
Công tác xúc tiến thương mại đã được chính quyền Quảng Ninh triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động đa dạng. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” phát động tại Quảng Ninh được triển triển khai từ năm 2009, đã trở thành động lực mạnh mẽ khuyến khích người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm trong nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Quảng Ninh là một trong những tỉnh tiêu biểu đã thực hiện cuộc vận động này với những sáng kiến thiết thực và hiệu quả.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, để tích cực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tập trung tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, thông tin, giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy đến người tiêu dùng; vận động, kết nối, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản cho các địa phương, tham gia các hoạt động bình ổn giá cả thị trường. Đẩy mạnh phối hợp tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tuyên truyền các điểm bán hàng Việt Nam nhằm đưa hàng “made in Việt Nam” đến gần hơn với người tiêu dùng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn,” “Tuần hàng Việt Nam”…
Chính từ việc vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ, tạo được sức lan tỏa, các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh Đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh cũng tham gia tích cực, thông qua các hoạt động hướng tới tiêu dùng bền vững và sử dụng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn.
Theo đánh giá, nhờ việc triển khai sâu rộng, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nông sản đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến và tin tưởng lựa chọn tiêu dùng. Theo thống kê của Sở Công Thương, đến nay trên 70% người tiêu dùng trong tỉnh đã quan tâm và chuyển sang lựa chọn mua sắm nhiều loại hàng tiêu dùng, thực phẩm do Việt Nam sản xuất.
Thời gian tới, theo bà Nguyễn Hoài Thương – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở tiếp tục tập trung rà soát và hỗ trợ kết nối sản phẩm OCOP, nông sản Quảng Ninh, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh đẩy mạnh phân phối sản phẩm, hàng hóa thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử lớn…. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối cố định, bền vững và hiện đại, ưu tiên đối với hàng Việt Nam như các trung tâm thương mại, siêu thị, giúp tạo dựng thói quen mua sắm cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng Việt…
Theo: Báo Công Thương