Để phát triển kinh tế di sản, làm cho di sản không bị khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ mai một thì trước khi phát huy giá trị di sản cần nghĩ đến câu chuyện bảo tồn.
Quảng Ninh có kho tàng di sản văn hoá đồ sộ. Trong đó, di sản văn hóa biển, đảo vùng Đông Bắc xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử văn hóa dân tộc (với các di chỉ văn hóa Hạ Long, văn hóa Cái Bèo, văn hóa Soi Nhụ), đến nay vẫn có sức sống riêng, bền bỉ, tiếp biến, thích ứng với những điều kiện phát triển mới. Vị trí địa lý, lịch sử và quá trình sinh sống của các thế hệ người dân Quảng Ninh đã hình thành nên một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng, mang lại nét đặc trưng văn hóa rất riêng.
Quảng Ninh có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, trong đó có kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có Yên Tử – nơi Thượng hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, là nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, cùng với hệ thống hàng trăm đền, chùa, am, tháp ở Hải Dương và Bắc Giang nằm trong quần thể di sản Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề cử di sản thế giới. Tổng cộng Quảng Ninh có 635 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 khu di tích quốc gia đặc biệt; 13 bảo vật quốc gia, 362 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, Quảng Ninh phải đối diện với không ít thách thức, như: Tình trạng khai thác “thô” một cách liên tục các giá trị di sản thiên nhiên, việc chuyển đổi phương thức sinh kế truyền thống còn thiếu sự chọn lọc, bảo tồn, phát huy hợp lý. Nhiều di sản công nghiệp của ngành Than thời kỳ Pháp thuộc không còn nữa. Một số nghề thủ công truyền thống đã bị mai một. Một số địa điểm du lịch tâm linh tuy có sức hút lớn nhưng vẫn còn những biểu hiện “biến tướng” hoặc “lệch chuẩn” văn hóa. Nếp sống, phong tục, tập quán cổ truyền cũng biến đổi nhiều do tốc độ đô thị hóa nhanh. Cùng với đó, Quảng Ninh đang thiếu những cơ chế, chính sách hấp dẫn thúc đẩy, thu hút đầu tư mạnh mẽ và nâng cao được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cộng đồng đối với các tài nguyên di sản.
Tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới – góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức ngày 21/12/2024 ở Vân Đồn, nhiều đại biểu đã tham gia những giải pháp, kiến nghị để Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung tiếp tục phát triển hiệu quả kinh tế di sản trên cơ sở bảo tồn vốn di sản văn hoá quý báu của cha ông. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Chi, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, để có thể duy trì “sức sống” cho di sản văn hóa, không chỉ phải bảo tồn như nó vốn có, phải để cho các di sản văn hóa được “sống”, được tôn vinh ngay trong chính đời sống của cộng đồng, mà trước hết, cần phải tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục sự hiểu biết các tri thức văn hóa nói chung và di sản văn hóa dân tộc nói riêng, từ đó khơi dậy và nhân lên niềm đam mê, ý thức bảo vệ di sản trong mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Đồng thời, gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội. Quảng Ninh cũng cần chú trọng hơn nữa yếu tố bảo tồn di sản văn hóa trong công tác quy hoạch của địa phương, tiếp cận vấn đề một cách tổng thể, liên ngành để đề xuất các giải pháp thích hợp, tạo dựng cảnh quan phù hợp cho khu vực di sản văn hóa, góp phần làm tăng giá trị của di sản văn hóa. Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, bên cạnh các chính sách của Nhà nước, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân, động viên hơn nữa các nghệ nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa…
Nguồn lực xã hội sẽ tham gia tài trợ cho các dự án tu bổ, tôn tạo cảnh quan môi trường khu di sản; định hướng phát triển không gian khu vực di sản, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ du lịch nhằm kết nối các khu, điểm du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, có dấu ấn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đơn cử, như kinh nghiệm thu hút đầu tư vào Khu di tích và danh thắng Yên Tử gắn với dấu ấn văn hóa kiến trúc Phật giáo thời Trần, trong đó nổi bật như dự án Legacy Yên Tử.
Cũng theo TS. Mai Chi, cần phải nhận diện, kiểm đếm và đầu tư để bảo tồn, trong đó cố gắng phát hiện nét riêng, đặc sắc, nếu không các di sản không chỉ có nguy cơ bị mai một còn có thể bị biến mất mãi mãi. Vì vậy, tỉnh cần xây dựng và ban hành Đề án quy hoạch hệ thống di tích định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Mặt khác, quy hoạch các tuyến du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cao theo hướng tăng cường tính liên kết vùng, lồng ghép đưa vào quy hoạch phát triển, gắn với phát huy giá trị các di sản văn hóa trung đại theo trục Vân Đồn – Hạ Long – Quảng Yên – Uông Bí – Đông Triều.
Theo