Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
Home Di lịch bốn phương24h Khám phá 5 điểm đến tâm linh bậc nhất tại Nghệ An

Khám phá 5 điểm đến tâm linh bậc nhất tại Nghệ An

by Bút Chì


Nghệ An, mảnh đất của những truyền thống tâm linh và văn hóa đa dạng, luôn mở ra những khám phá mới mẻ cho những ai tìm đến.

Đền Cờn: Ngôi đền linh thiêng

Đền Cờn là một trong những ngôi đền linh thiêng trong “tứ đại đền thiêng” ở xứ Nghệ. Theo sử sách, đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần. Đền Cờn thờ Tứ vị thánh nương – quốc gia Nam Hải đại càn thánh nương. 

Các thánh nương là 3 mẹ con công chúa nước Nam Tống là, Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Đây là những nữ thần bảo vệ và phù hộ cho dân chúng làm ăn thịnh vượng và vượt qua hiểm nguy.

Đền Cờn tọa lạc tại phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai.

Đền Cờn tọa lạc tại phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai.

Về sự tích của ngôi đền được người dân trong vùng kể lại rằng: vào năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), quân Nguyên đánh úp quân Tống, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu – trung thần nhà Nam Tống – đem Vua Đế Bính, gia quyến cùng binh sĩ hơn 800 người lên thuyền ra biển chạy trốn, quân Nguyên truy sát gấp rút lại gặp sóng to gió lớn, vua tôi Nam Tống chết chìm ở biển Đông.

Thi thể 3 mẹ con công chúa trôi dạt vào cửa Càn. Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối, nhưng mặt mũi hồng tươi, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra một mùi thơm như lan, như quế lấy làm kỳ lạ. Dân làng chôn cất và lập miếu thờ, mỗi lần khi xuất hành ra khơi đến cầu khấn đều thấy linh nghiệm.

Khám phá 5 điểm đến tâm linh bậc nhất tại Nghệ An - 2

Trước đây, Lễ hội Đền Cờn kéo dài suốt 1 tháng, từ mùng 1 Tết đến hết tháng Giêng. Sau này, nhiều phần lễ hội đã được giản lược để bớt, nhưng tục “chạy Ói” thì vẫn được giữ lại như một phần không thể thiếu.

Chính vì sự linh thiêng của ngôi đền mà nhiều người dân thập phương trong ngoài tỉnh thường về đây để dâng hương, cầu nguyện.

Lễ hội đền Cờn diễn được tổ chức ngày 19 – 21/1 âm lịch hàng năm là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến Đền chiêm bái và tưởng nhớ công ơn của Tứ vị thánh nương. Lễ hội diễn ra rất nhộn nhịp với các hoạt động như: diễn trận thủy chiến giả gắn với truyền thuyết dựng đền, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn…

Đền Quả Sơn: Ngôi đền thiêng ngàn năm tuổi

Đền Quả Sơn xưa thuộc địa phận xã Bạch Đường, tổng Bạch Ngọc, huyện Nam Đường, trấn Nghệ An (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An).

Theo sử cũ và thần phả đền Quả Sơn, Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Hiện chưa có tài liệu nào ghi chép chính xác về năm sinh của ông, còn năm mất là 1057, sau gần 16 năm làm Tri châu Nghệ An.

Đền Quả Sơn nằm tại chân núi Quả, thuộc làng Miếu Đường, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương.

Đền Quả Sơn nằm tại chân núi Quả, thuộc làng Miếu Đường, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương.

Ông là người dũng cảm, trung hiếu. Năm 1039, Lý Nhật Quang được triều đình cử vào Nghệ An lo việc thu thuế. Tháng 11/1041, triều đình xuống chiếu cho ông vào làm Tri châu Nghệ An. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An. Năm 1044, ông được triều đình trao cho quyền “tiết việt” (quyền được bổ nhiệm quan lại, xử phạt, phong thưởng, điều khiển binh lính… mà không cần xin phép triều đình).

Chính vì vậy trong quá trình thay vua trị vì xứ Nghệ, ông đã có những chủ trương chính sách cải cách, mở mang kinh tế, chính trị, văn hóa cho vùng đất này. Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang mất và hiển thánh ngay dưới chân núi Quả. Nhân dân xứ Nghệ vô cùng thương tiếc, khóc thương, lập đền thờ đúng nơi ông mất và hiển thánh, gọi là đền Quả Sơn.

Năm 1995, đền được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia. Đền có thượng điện, trung điện, hạ điện nối liền với nhau thành chữ công thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; có tả vu thờ Đông Chinh Vương Lý Lực và hữu vu thờ Dực Thánh Vương là hai danh tướng của Lý Nhật Quang.

Trải qua những thăng trầm lịch sử với những biến cố của thời gian, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Quả Sơn đã trở thành một điểm đến tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội Đền Quả Sơn được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20 tháng Giêng hằng năm. Không gian của lễ hội được mở rộng với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, gồm giao lưu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, vật, đánh cờ, đua thuyền….

Đền Bạch Mã: Ngôi đền gắn với những truyền thuyết

Theo nhiều sử cũ ghi lại, đền Bạch Mã được xây dựng từ thời Lê để thờ Phan Đà – vị tướng tài đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh ở thế kỷ XV. Thời điểm đó, Phan Đà đã tập hợp nghĩa quân ngày đêm luyện tập. 

Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa, sau đó về Nghệ An xây dựng căn cứ chống giặc Minh. Tướng Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh xã Võ Liệt hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu tiêu diệt địch.

Đền Bạch Mã nằm ở thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.

Đền Bạch Mã nằm ở thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.

Trong một lần cải trang sang sông nắm tình hình của giặc, Phan Đà ghé vào buổi hát hội do dân làng tổ chức thì bị lộ. Một mình ông tả xung hữu đột với quân thù và bị chém trọng thương. Biết chủ mình lâm nạn, con ngựa chiến trung thành lồng lộn, hý vang trời phá vòng vây bơi qua sông trở về căn cứ và khi về đến căn cứ thì Phan Đà tắt thở.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao to lớn của Phan Đà đã sắc phong cho ông làm “Đô thiên đại đế Bạch Mã Thưởng đẳng phúc thần”, đồng thời cấp tiền, giao cho quan sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, tổ chức cúng tế hàng năm để tưởng nhớ ông, mà nhân dân thường gọi là đền Bạch Mã.

Đền Bạch Mã gồm tam quan, nghi môn, thượng điện, trung điện, hạ điện, tả vu, hữu vu. Đây là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo, bố cục hài hòa, được chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo. Trong điện còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật, đồ tế khí quý hiếm làm tăng thêm giá trị lịch sử, tâm linh của đền. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, đền Bạch Mã đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994.

Bên trong đền Bạch Mã hiện nay còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như, nhà vàng, nhà bạc, bộ lục lạc bằng đồng (38 cái), tượng chim Phượng sơn son thiếp vàng… Hằng năm, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ tế vào ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch.

Đền Cuông: Ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí

Đền Cuông nằm trên núi Mộ Dạ, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, là ngôi đền thiêng thờ Thục An Dương Vương.

Đền Cuông nằm trên núi Mộ Dạ, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, là ngôi đền thiêng thờ Thục An Dương Vương.

Đền Cuông gắn với một huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thục Phán – sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là Thục An Dương Vương. Sau khi lên ngôi, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 đến năm 208 trước công nguyên).

Năm 208 trước công nguyên, do mất cảnh giác, Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc chân núi Mộ Dạ, nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân vùng Diễn Châu đã lập miếu thờ ngài ở Cửa Hiền. Ở đó còn có ngôi mộ của công chúa Mỵ Châu.

Theo truyền thuyết, tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, có những đốm lửa lập lòe trên sườn núi Mộ Dạ. Nhiều người nghĩ rằng đó chính là linh hồn của vua Thục muốn yên ngự trên sườn núi nên nhân dân đã lập đền thờ và rước linh hồn Ngài về đó để thờ phụng.

Ngày nay, đền Cuông vừa là một thắng cảnh, vừa là địa điểm tâm linh tín ngưỡng linh thiêng. Lễ hội Đền Cuông vào ngày 21- 23 tháng 2 âm lịch hàng năm cũng là một trong những lễ hội nổi tiếng ở tỉnh Nghệ An, thu hút người dân khắp nơi về tham gia.

Đền Quan Hoàng Mười: Điểm đến thu hút lượng lớn du khách đầu năm

Đền Ông Hoàng Mười nằm ở địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá huỷ. Năm 1995 đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.

Đền Ông Hoàng Mười, xóm Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên.

Đền Ông Hoàng Mười, xóm Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên.

Theo nhân gian kể lại ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng Ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. 

Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Còn theo lời kể ở vùng Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười chính là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh.

Theo một truyền thuyết khác, ông giáng xuống trần và trở thành Uy Minh Vương Ly Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An.

Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Những giai thoại kỳ bí này đã phủ lên ngôi đền một bức màn tâm linh huyền ảo và linh thiêng.

Theo quan niệm dân gian, dịp đầu năm đi lễ Đền ông Hoàng Mười sẽ phát lộc về đường buôn bán, công danh sự nghiệp.

Theo quan niệm dân gian, dịp đầu năm đi lễ Đền ông Hoàng Mười sẽ phát lộc về đường buôn bán, công danh sự nghiệp.

Đức Thánh Hoàng Mười là nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Hàng năm, khu di tích đền Ông Hoàng Mười thường đón hàng trăm nghìn du khách vào mùa lễ hội. Không chỉ đến để cầu nguyện mà du khách còn có dịp khám phá nét tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Người dân xứ Nghệ truyền tai nhau “Đền Quan Hoàng Mười cầu được ước thấy”. Do vậy, ngôi đền thu hút du khách thập phương ghé thăm, cầu mong cho bản thân và gia đình mình luôn được bình an, yên ổn, mọi chuyện dữ hóa lành…

Hàng năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội khai điểm (Rằm tháng 3 Âm lịch) và lễ giỗ Ông Hoàng Mười (10/10 Âm lịch), Đền ông Hoàng Mười thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái, dâng lễ.

Tỉnh Nghệ An hiện có gần 2.500 di tích lịch sử – văn hóa, hệ thống di tích này trải dài từ miền biển lên miền núi cao, gắn với tín ngưỡng – tôn giáo hoặc các danh nhân, sự kiện và có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa. Qua đó, thể hiện những dấu ấn đặc trưng của truyền thống văn hóa và con người, góp phần quan trọng làm nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc của vùng văn hóa xứ Nghệ.

Nguồn

24h.com.vn

 

TIN TỨC QUẢNG NINH

Tintucquangninh.com là cổng thông tin điện tử hàng đầu, chuyên tổng hợp và cung cấp tin tức đầy đủ, đa chiều về tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu trở thành cầu nối thông tin đáng tin cậy, trang web không ngừng cập nhật những tin tức mới nhất, nhanh chóng và chính xác nhất, từ các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa đến đời sống xã hội.

@2024 – All Right Reserved. Ghi rõ nguồn khi trích dẫn thông tin từ Tintucquangninh.com