![]() Có vốn kiến thức sâu rộng cũng như kinh nghiệm thực tế phong phú, những ý kiến của PGS.TS. Trần Đình Thiên (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại hội thảo về kinh tế di sản tổ chức tại Vân Đồn vào cuối năm 2024 vừa qua, được nhiều nhà khoa học, chuyên gia đánh giá cao. Trò chuyện cùng phóng viên, ông đã có những trao đổi thẳng thắn, gợi mở nhiều ý tưởng trong việc khai thác, phát huy xứng tầm giá trị các di sản tại Quảng Ninh.– Thưa ông, có ý kiến cho rằng di sản là một nguồn vốn đặc biệt. Vậy để phát huy nguồn vốn đặc biệt ấy cần có cơ chế đặc biệt gì không?
|
+ Lâu nay, di sản vẫn là niềm tự hào, được quan tâm bảo vệ, giữ gìn nhưng không được coi là nguồn vốn. Về cơ bản, di sản là gánh nặng, cần phải đổ tiền vào cho nó chứ không phải để làm ra tiền. Giờ lật ngược tình thế, coi nó là nguồn vốn thì lập tức thành đặc biệt. Nhưng để đền, chùa, các di sản văn hoá phi vật thể trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển, giúp nâng cao đời sống, mang lại thương hiệu cho địa phương, đất nước thì cần có điều kiện, cơ chế, nỗ lực đặc biệt, khác biệt.
Có thể nói, đây là sự chuyển đổi về bản chất. Thêm nữa, nguồn vốn đặc biệt này muốn trở thành nguồn lực phải được bảo đảm bằng tính thời đại. Ví dụ, di sản muốn làm ra tiền thì nó phải gắn với tính toàn cầu, chứ du lịch mà cứ loanh quanh trong làng thì không làm ra tiền được. Hay công nghệ thì phải tốt để quảng bá, chuyển được hình ảnh quá khứ tới tương lai thì người ta mới biết được. Cách đặt vấn đề như thế là để chúng ta có một chính sách, thái độ ứng xử với nguồn vốn, nguồn lực đặc biệt ấy một cách khác thường chứ không thể theo lối thông thường.

– Vậy với những gì Quảng Ninh đang có, đang hội tụ thì đã là thời cơ chín muồi để Quảng Ninh đặt vấn đề phát triển kinh tế từ văn hoá hay chưa?
+ Đất nước ta từ 10, 15 năm nay khi du lịch bùng nổ thì nhiều di sản đã trở thành nguồn lực, dù cách phát huy chưa phải chỗ nào cũng tốt. Tuy nhiên, có thể thấy người Việt Nam rất nhanh nhạy, từ cái đà, cái thế, cách làm rồi sự thân thiện của con người làm cho di sản bừng sáng lên. Nhiều địa phương có sự phát triển du lịch rất tốt, đã đưa Việt Nam thành một điển hình du lịch di sản ngày càng sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Trong bức tranh đó, Quảng Ninh là một toạ độ đặc biệt sáng, bởi vì những tài sản du lịch Quảng Ninh có về cơ bản là những di sản đặc biệt quý hiếm, đặc biệt khác thường. Chúng ta có Vịnh Hạ Long đã mấy lần được công nhận là Di sản – Kỳ quan thế giới, những danh hiệu được trao cho di sản khẳng định chúng ta đang nắm giữ nguồn tài sản quý báu không chỉ của đất nước mà đấy là của loài người.
Quảng Ninh hay dùng khái niệm hội tụ – phát triển. Ở đây là hội tụ nguồn lực, những cái chúng ta chưa có đủ thì tìm cách hội tụ lại, tiền tài, sức mạnh tài nguyên du lịch cũng là một đặc thù. Các di sản Yên Tử, Nhà Trần, Bạch Đằng là lợi thế vô đối, tích hợp với di sản thiên nhiên hội tụ 3 vịnh Hạ Long – Lan Hạ – Bái Tử Long không nơi nào so được cả. Chỉ có điều, chúng ta chưa đủ lực, chưa thật sự biết cách làm để những giá trị này trở thành sức mạnh cạnh tranh thật sự, mang lại lợi ích phát triển xứng tầm. Cho nên tôi nói là tầm nhìn chưa đến tầm, đầu tư chưa xứng tầm, sự quan tâm quốc gia chưa phù hợp yêu cầu.

Chưa xứng tầm là gì? Đây có phải tài sản của riêng Quảng Ninh đâu mà của quốc gia, quốc gia phải có nguồn lực, có cơ chế chính sách thì lúc đó nguồn lực theo cơ chế chính sách về mới thật sự toả sáng, toả sáng thì mới mang lại giá trị.
Hội tụ nguồn lực, phát huy được lợi thế thì lợi ích mang lại chắc chắn là người Quảng Ninh được hưởng, xứng đáng được hưởng đầu tiên vì ở chính vùng đất này. Mà không chỉ thế, cả đất nước này được hưởng, thế giới được hưởng vì chia sẻ cái đẹp ra thế giới, khách quốc tế bỏ tiền ra để được hưởng vẻ đẹp này. Đây là cách chúng ta đặt vấn đề để phát huy giá trị của di sản, lâu nay vẫn có nhưng bây giờ thành sức mạnh của chúng ta, chúng ta phải có trách nhiệm.
Tôi nghĩ, cách đặt vấn đề của Quảng Ninh mấy chục năm gần đây trong chuyển định hướng phát triển từ nâu sang xanh, trọng tâm là du lịch chính là nhằm phát huy những tiềm năng cực kỳ quý, hiếm như vậy và với những giải pháp tiên phong, đột phá thì chúng ta hy vọng là sẽ có bước chuyển rất lớn trong giai đoạn tới đây. Đất nước cũng ý thức được việc đó rồi thì tôi nghĩ những di sản của Quảng Ninh càng có cơ hội để phát huy.
– Những giải pháp tiên phong, đột phá mà ông kỳ vọng Quảng Ninh sẽ thực hiện được, cụ thể là về lĩnh vực nào?
+ Ví dụ muốn làm du lịch thì điều kiện tiên quyết là đô thị phải đẹp, giờ thì đô thị Hạ Long bắt đầu đẹp nhưng vẫn chưa thật sự xứng tầm. Hoặc là phải tìm mọi cách nối với thế giới, tất nhiên là giờ nối với thế giới rồi nhưng cũng chưa thuận tiện, ví dụ như sân bay Vân Đồn vẫn chưa phát huy được nhiều, chưa có nhiều tàu bay, các tuyến đường bay quốc tế… Đây là câu chuyện không chỉ của sân bay Vân Đồn mà của đất nước, từ nhận thức về cái tầm của Hạ Long, Quảng Ninh để đối với sân bay Vân Đồn phải thực sự xứng tầm là sân bay quốc tế thì lúc đấy mới được.
Rồi nguồn nhân lực đủ chưa, chắc là còn tầm thấp lắm. Chúng ta cần nâng cấp dịch vụ lên, để mời được khách du lịch đến đây cũng phải xứng tầm với vẻ đẹp của Quảng Ninh, chứ không phải đối tượng khách nào cũng được. Mọi người đều có quyền đến đây tận hưởng nhưng phải cư xử, đối xử với Quảng Ninh đúng tầm, chứ còn du lịch đại trà quá, làm cho đẳng cấp du lịch Quảng Ninh hạ thấp quá thì không được. Muốn vậy phải có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải làm thế nào chứ không phải cứ mời bừa các đoàn khách mà mức chi tiêu rất thấp, đến đây tiêu tốn tài nguyên rất là nhiều thì không nên.

Chúng tôi muốn là cách đặt vấn đề phải bắt đầu tiếp cận từ trung ương, đặt vai trò của Quảng Ninh từ góc nhìn cả nước, giải pháp đầu tiên là tầm nhìn, sau đó đến chiến lược và thứ 3 là những giải pháp thực thi như là mời gọi doanh nghiệp, ví dụ như chiến lược kết nối Hạ Long với các toạ độ du lịch khác. Rồi phát triển đô thị, chiến lược nhân lực…, những cái đó tôi nghĩ là khi doanh nghiệp đến họ sẽ chủ động đưa ra những giải pháp cụ thể và chính họ hành động giúp cho việc khai thác các giá trị di sản của Quảng Ninh một cách xứng đáng.
– Việc phát triển du lịch di sản, đơn cử như với Vịnh Hạ Long hiện gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vậy theo ông để phát triển ở quy mô lớn hơn hay phục vụ các dòng khách cao cấp thì cần gỡ những vướng mắc này như thế nào?
+ Phát triển du lịch là cực kỳ khó khăn, còn khó hơn cả công nghiệp. Vì vậy, đầu tiên, đừng nói tới là tầm cỡ như là Quảng Ninh phát triển du lịch mà đúng cách, đúng kiểu là đã khó lắm rồi. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải trau chuốt, phải có những giải pháp đặc thù. Cho nên Đảng ta mới nói mũi nhọn là như thế, mũi nhọn nên ta phải tập trung vào cho nó, phải có một thái độ khác với ngành du lịch, tương xứng với vai trò, sứ mệnh nó có thể làm cho đất nước này và đã được Đảng, Nhà nước xác định.

Thứ hai, phát triển du lịch đặt ra cho Quảng Ninh như là một sứ mệnh quốc gia. Phát huy được Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Yên Tử… tất cả tổ hợp này nối sang được Hải Phòng, đấy là sứ mệnh quốc gia chứ không phải việc riêng của Quảng Ninh. Nhưng bao lâu nay dường như câu chuyện phát triển vẫn coi đấy gần như là việc riêng của Quảng Ninh. Cho nên muốn làm việc đó thì phải có một hệ thống cơ chế chính sách khác thường, nó không giống 1 tỉnh miền núi, 1 tỉnh nghèo, 1 tỉnh đồng bằng, đây là tài sản quốc gia như thế thì phải có cơ chế chính sách để yểm trợ, để hỗ trợ, để bảo vệ, thúc đẩy nó khác với tỉnh khác.
Đấy là yếu tố phải nhận diện đầu tiên. Còn hệ thống giải pháp đó cụ thể như thế nào thì còn phải bàn rất nhiều, nhưng tạo ra sự khác biệt đó sẽ làm xoay chuyển cả chân dung du lịch của Việt Nam, tạo được sức lan toả rất lớn về một hình ảnh quốc gia vô cùng tuyệt vời. Ví dụ như tôi nói đơn giản, sân bay Vân Đồn để thực sự xứng tầm với một sân bay quốc tế đúng nghĩa vậy thì phải có cơ chế, chính sách riêng. Các nơi có thể sẽ có ý kiến phân bì, nhưng vì vai trò như thế, Quảng Ninh gánh vác sứ mệnh như thế thì phải được…
Thứ hai là nguồn lực cũng phải tăng cường vào. Nguồn lực ở đây là gì, cho phép Quảng Ninh chủ động, sáng tạo nhiều hơn trong việc tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, trong việc biến toàn bộ chuỗi đô thị này thật khác biệt, giống như là Dubai chẳng hạn… Đấy, cách tiếp cận như vậy, chứ nếu là cơ chế, chính sách chung thì có tính trói buộc, không khuyến khích. Trao cho Quảng Ninh quyền tự chủ, tự quyết, tự hành động và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn, xứng tầm quốc gia, quốc tế hơn, như thế thì mới chớp được thời cơ, chứ không thì mất thời cơ.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo