Để sản phẩm vươn ra thị trường lớn, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất của huyện đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, quảng bá thương hiệu nên những sản phẩm mang đậm hương vị vùng biển và miền núi của huyện đã có mặt trên cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Vân Đồn đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tiến công nghệ, quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nhiều sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ, thúc đẩy quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo được lòng tin của người tiêu dùng.

Thương hiệu Nước mắm sá sùng Vân Đồn Vanbest thuộc Công ty TNHH MTV Newstar được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, không còn xa lạ với người tiêu dùng ở cả trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Đến nay, trung bình mỗi năm Công ty sản xuất khoảng 40.000 lít nước mắm. Để đạt được kết quả đó, công ty luôn đầu tư thiết bị hiện đại, cải tiến bao bì sản phẩm.

Để tiếp cận khách hàng ngoài tỉnh, công ty đã xây dựng các kênh bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo và sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm

Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Newstar, chia sẻ: Lúc đầu đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử tôi cũng ngại vì chưa tiếp cận bao giờ.

Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu về chuyển đổi số do địa phương tổ chức tôi thấy đưa sản phẩm lên sàn thương mại và mạng xã hội dễ dàng và hiệu quả.

Các sản phẩm của chúng tôi đã tiếp cận với khách hàng ở các tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên… và doanh số năm sau cao hơn năm trước.

Không chỉ các đặc sản miền biển, cam Vân Đồn cũng vô cùng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, sản phẩm ngày càng được khách hàng ngoài tỉnh biết đến vì sản phẩm đã được người dân quảng bá rộng rãi trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Vụ cam vừa qua, gia đình ông Trần Văn Hậu, chủ vườn cam 68 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) đã bán được gần 15 tấn cam các loại. Với số lượng như vậy, ông Hậu đã bán được nhiều hơn 5 tấn so với năm trước nhờ được Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như ocopquangninh, tiki, sendo, voso… và mạng xã hội như Zalo, Facebook..

“Sản phẩm cam Vạn Yên của gia đình tôi đã được chứng nhận 3 sao OCOP, tôi và bà con trồng cam ở Vạn Yên đã được Tổ công nghệ số của xã hướng dẫn quay phim, chụp ảnh, dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để đưa lên sàn thương mại điện tử, do đó chúng tôi đã tiếp cận với khách hàng các tỉnh khác” – ông Hậu chia sẻ.

Để tiếp cận chuyển đổi số, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hằng năm UBND huyện Vân Đồn phối hợp với Sở Công Thương triển khai tập huấn kỹ năng tham gia bán hàng, kỹ năng quảng bá sản phẩm, thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; vận động các cơ sở, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh Quảng Ninh.

Hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và các đơn vị có sản phẩm tham gia chương trình OCOP nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm tích cực sử dụng thương hiệu “Vân Đồn” và triển khai phân phối sản phẩm trên ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, tem điện tử…) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. 

Hiện Vân Đồn có 53 sản phẩm OCOP, trong đó 41 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao, các đặc sản của Vân Đồn đã có mặt khắp các sàn TMĐT và mạng xã hội. Từ sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh, đến các nền tảng như Facebook, TikTok, Shopee, Lazada… người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy và đặt mua những sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Vân Đồn.

 Theo Ngọc Trâm (Báo Quảng Ninh)