Thời gian qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.
TP Hạ Long hiện có 117 trường học từ cấp mầm non đến THPT với gần 100.000 học sinh. Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực GD&ĐT, thành phố đã chỉ đạo ngành Giáo dục quyết liệt thực hiện các nội dung chính trong chuyển đổi số: Số hoá thông tin quản lý, số hoá học liệu, tích cực ứng dụng tiến bộ CNTT, phần mềm chuyên ngành vào công tác dạy và học.
Sở GD&ĐT, các địa phương của tỉnh đã tích cực rà soát cơ sở hạ tầng giáo dục phục vụ cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 10/11/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường ứng dụng CNTT và thúc đẩy chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2023, tỉnh giao kinh phí 440 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Năm học 2024-2025 các trường được tăng cường, nhất là các thiết bị ứng dụng CNTT, hệ thống thông minh, thiết bị đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Đến nay các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được trang bị thiết bị bảo đảm cấu hình, kết nối, an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số. CBCCVC ngành Giáo dục tỉnh đều được bồi dưỡng tập huấn về chuyển đổi số.
Ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục thực hiện quy trình thuê dịch vụ CNTT “Hệ thống Quản lý trường học trực tuyến tích hợp tuyển sinh liên thông đầu cấp trực tuyến và xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục tỉnh cho Sở GD&ĐT, 13 phòng GD&ĐT, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX trên địa bàn tỉnh”; triển khai xây dựng bài giảng điện tử phục vụ tốt nhu cầu tổ chức dạy học trực tuyến của các cơ sở giáo dục…
Tất cả cơ sở giáo dục phổ thông thuộc ngành quản lý đều đã triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến; tích hợp nội dung chuyển đổi số trong chương trình giáo dục; cập nhật hồ sơ điện tử của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; thực hiện hồ sơ, học bạ điện tử cho học sinh, sổ điểm điện tử…; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản phí dịch vụ giáo dục.
Đến nay 100% cán bộ các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục thực hiện chữ ký số trong xử lý hồ sơ và điều hành; gần 100% số giáo viên, học sinh, trẻ mầm non được cập nhật đầy đủ thông tin; 98,81% cán bộ, giáo viên và học sinh phổ thông có hồ sơ định danh cá nhân đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Riêng cấp tiểu học, tính đến hết tháng 6/2024 có 98,02% học sinh hoàn thành phát hành học bạ số lên Kho học bạ của Bộ GD&ĐT theo quy định.
Các phòng GD&ĐT, các trường có cấp THPT đã liên thông văn bản điện tử đến các cơ quan trong tỉnh và Bộ GD&ĐT thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Trên 90% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; thí điểm triển khai tuyển sinh trực tuyến…
Các cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh xây dựng kho học liệu điện tử. Đến nay ngành Giáo dục tỉnh đã xây dựng, số hóa hơn 2.000 học liệu và gần 5.000 bài giảng điện tử chia sẻ trong toàn ngành; triển khai hoạt động giáo dục STEM/STEAM (phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn).
Sở GD&ĐT đang tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đa dạng cách thức thực hiện chuyển đổi số nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục; trong đó nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học.
Theo Cầm Khuê (Báo Quảng Ninh)
Theo: Báo Vietnamnet