21
Bảo cho biết chuyển sang tiệc trà khoảng 6 năm nay vì quan tâm đến sức khỏe và chất lượng sống. Anh thường tổ chức những buổi trà đàm, tiệc trà riêng tư tại nhà. Mỗi buổi tiệc trên dưới 10 khách mời, chi phí thấp nhất khoảng một triệu đồng mỗi người.”Tùy vào loại trà, địa điểm, quy mô tổ chức và đồ ăn kèm theo mà tiệc trà có mức giá khác nhau”, Huy Bảo nói. Tiệc trà có nhiều hình thức tổ chức, điểm chung là sử dụng trà làm đồ uống xuyên suốt, thông qua chén trà để trò chuyện, đàm phán hoặc thả lỏng tâm trí.Bảo cho hay bữa tiệc trà thường có chủ đề, ví dụ chủ đề lập đông sẽ có không gian, đồ uống, đồ ăn, lấy cảm hứng theo mùa này. Mỗi bữa tiệc có người điều phối gọi là trà chủ, am hiểu về trà, cách pha, có khả năng kể chuyện và gắn kết mọi người. “Tôi thường đứng ra làm trà chủ trong các bữa tiệc trà tại nhà vì đã học qua kiến thức về trà, những bữa tiệc cao cấp hơn thường mời trà sư, trà nghệ sư, trà nương điều phối”, Bảo nói.Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm, hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về trà và chuyên điều phối những buổi tiệc trà cao cấp, cho hay đầu tháng 11 bà tổ chức một buổi tiệc trà cao cấp tại một khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc cho đoàn khách là các vị Rinpoche (đạo sư) đến từ Bhutan. Buổi tiệc được thiết kế để tôn vinh sự kết nối giữa văn hóa trà Việt Nam và nghệ thuật thưởng trà quốc tế. Bà Tâm và các trợ lý đem theo các loại trà quý và trà cụ từ TP HCM đến Phú Quốc. Loại trà chủ đạo của bữa tiệc là trà sen, kết hợp với các món chay truyền thống Việt. “Bữa tiệc yêu cầu sự riêng tư tối đa, bày trí thể hiện tinh thần văn hóa Phật giáo, người tham gia lắng nghe và chia sẻ cảm nhận về trà, về sự khác biệt văn hóa mỗi nước”, bà Tâm chia sẻ.Anh Phạm Đức Huy, quản trị cộng đồng về trà trên Facebook với hơn 88.000 thành viên, cho biết tệp khách hàng cao cấp ngày càng hạn chế sử dụng đồ uống có cồn. Họ lựa chọn phong cách sống lành mạnh như thiền, yoga, tập thể thao, ăn chay và uống trà. Các buổi gặp mặt đối tác kinh doanh, ngoại giao, hoạt động xã hội dần được thay thế từ tiệc rượu sang tiệc trà, tạo động lực khiến dịch vụ tiệc trà ngày càng phát triển.Dịch vụ tiệc trà cao cấp thường là những tiệc riêng tư, bảo mật cao nên ít thấy thông tin hay nguồn dữ liệu tin cậy và công khai về dịch vụ này trên thị trường. Khách hàng thường đặt dịch vụ thông qua mạng lưới quan hệ cá nhân. Chủ một đơn vị tiệc trà tại TP HCM cho biết trung bình một tháng tổ chức hai tiệc cho các nhóm khách VIP.”Hiện tại chưa có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ tiệc trà cao cấp, thói quen uống trà đặc sản mới hình thành ở Việt Nam, cần thời gian để định hình và phát triển”, anh Huy nói và cho hay nguồn cung đang hạn chế vì nhu cầu tiệc trà chỉ xuất hiện ở phân khúc cao cấp, nằm trong ngách hẹp của thị trường ăn uống và khách sạn (F&B và hospitality).Theo anh Huy, giá tổ chức tiệc trà riêng tư phụ thuộc theo yêu cầu của khách hàng, thông thường giá từ vài triệu trở lên cho một người. Một buổi tiệc trà 10 người giá tối thiểu 10 triệu đồng. Mức giá phụ thuộc vào chất lượng trà, đồ ăn và độ tinh tế, chi tiết của khách hàng khi yêu cầu về không gian tổ chức.Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm cho hay không phải ai cũng có thể kinh doanh loại hình dịch vụ này vì nghệ nhân làm chủ một buổi tiệc trà cao cấp cần hội tụ nhiều kiến thức. Họ phải hiểu sâu rộng các loại trà, cách pha, ý nghĩa văn hóa đằng sau từng loại trà, trà cụ, không gian và những môn văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương.Trong mỗi buổi tiệc trà, trà chủ phải tinh tế trong cách dẫn dắt câu chuyện, giúp tạo không khí nhẹ nhàng. Sáng tạo trong việc xây dựng ý tưởng và chủ đề tiệc trà, sắp đặt không gian, trà cụ và trà thực kèm sao cho phù hợp với từng đối tượng khách. Trong buổi tiệc trà cấp cao với khách quốc tế, sự hiểu biết về văn hóa trà các nước và phong cách phục vụ đa dạng là yêu cầu không thể thiếu.”Trà chủ vai trò là linh hồn của buổi tiệc trà, kết nối trà, nghệ thuật, con người và ý nghĩa văn hóa”, bà Tâm nói.Tiệc trà hiện có một số hình thức gồm tiệc trà tiếp khách quốc tế, thường diễn ra trong 1,5-2h, tuân thủ theo nghi thức, khách thưởng trà sẽ chia sẻ các câu chuyện về văn hóa. Tiệc trà giao lưu, kết nối kéo dài đến 3 giờ, kết hợp thưởng trà, trò chuyện và có các hoạt động khác như chiêm ngưỡng trà cụ, gốm sứ nghệ thuật, thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật. Tiệc trà cá nhân, thường dành cho khách VIP, thời gian tổ chức linh hoạt theo nhu cầu của khách, khoảng 1,5h. Theo nữ trà sư, trà chọn cho tiệc cao cấp phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, chế biến công phu từ các vùng trà nổi tiếng, đơn vị sản xuất trà uy tín hoặc làm bởi các nghệ nhân có tay nghề cao. Ngoài ra, trà phải là loại hiếm trên thị trường, chỉ có trong mùa vụ nhất định hoặc được sản xuất với số lượng giới hạn. Hương vị trà có tính độc đáo, tùy đối tượng khách mời sẽ chọn những loại trà có hương vị, phù hợp với sở thích của khách.Trà Việt có trà sen, trà cổ thụ. Trà đến từ các vùng trà nổi tiếng ngoài Việt Nam có trà Đại Hồng Bào, Olong, Phổ Nhĩ, các loại trà lão.”Tôi thích trà Mã Dọ Phú Yên, nhưng loại trà này đang gặp nhiều khó khăn về vùng nguyên liệu và kỹ thuật chế biến”, bà Tâm nói.Bà cho rằng giá trị của buổi tiệc trà không chỉ nằm ở loại trà quý mà còn ở không gian được sắp đặt tinh tế, là cầu nối văn hóa, tạo dựng mối quan hệ trên tinh thần “chân, tâm, tương, giao”, khẳng định phong cách và triết lý sống.”Tiệc trà đang dần định hình là một loại dịch vụ cao cấp, tạo giá trị kinh tế, du lịch”, trà sư Thanh Tâm nói. Tiệc trà thu hút nhóm khách cao cấp tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Các buổi tiệc thiết kế riêng theo văn hóa địa phương có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, giúp du khách trải nghiệm sâu hơn về văn hóa của đất nước.”Tiệc trà cao cấp phục vụ khách VIP, tỷ phú ngày càng được biết đến nhiều hơn, là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch và ngành trà”, anh Phạm Đức Huy nói.Bích Phương
Nguồn: Vnexpress