14
Bị lạc khi leo LangbiangĐại diện Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà ghi nhận 10 du khách lạc đường ở núi Langbiang trong các tháng 7-10. Hầu hết khách đi lạc là do tìm hiểu thông tin khám phá núi Langbiang qua các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội, mạo hiểm leo núi khi chưa hiểu rõ về địa hình, thời tiết. Từ tháng 4 đến tháng 11, khu vực núi Langbiang vào mùa mưa, nắng đẹp buổi sáng nhưng mưa và sương mù dày vào buổi chiều, dễ khiến du khách mất phương hướng. Công an huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, cho hay trong ba tháng kể trên, mỗi lần cứu hộ phải huy động lực lượng hơn 30 người, chia làm nhiều mũi men theo các lối mòn vào rừng để tìm kiếm khách đi lạc trong điều kiện trời mưa to, đường trơn trượt, địa hình hiểm trở.Dù điểm đến đã có những cảnh báo về địa hình hiểm trở, khuyến cáo những người không quen địa hình không nên đi, một số nhóm du khách vẫn bỏ qua các biện pháp an toàn khi tham gia du lịch mạo hiểm. Điều này làm gia tăng nguy cơ đi lạc hoặc tai nạn.Chèo SUP bị sóng cuốn ở Phú QuýNgày 26/10, nhóm du khách ở đảo Phú Quý lấy thuyền SUP trước khu nghỉ chèo ra biển, bị sóng lớn đẩy ra xa, khiến một người thiệt mạng, 5 người được cứu.Sau sự cố, nhiều ý kiến tranh luận cần tránh hoàn toàn các chuyến đi mùa mưa bão, số khác cho rằng đây là “chuyện không may”, tuân thủ biện pháp an toàn là được. Trong bài viết “Tìm thấy nữ du khách bị sóng đánh trôi hơn 12 giờ ở Phú Quý” đăng trên VnExpress ngày 27/10, tài khoản phamduckhoi2013 bình luận: “Vừa đáng thương, vừa đáng trách, gió to, sóng lớn do bão như thế mà còn ra biển thì tôi xin thua”. Một độc giả khác phản biện du khách còn trẻ tuổi, thích khám phá, nên thông cảm và nên tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì chỉ trích. Tài khoản Devon Melfice cho rằng nữ du khách sống sót đã gặp may khi mang theo phao, tuân thủ quy định chèo SUP mà nhiều du khách biết bơi thường chủ quan bỏ qua.Mắc kẹt 31 giờ trên núi tuyết ở Thụy Sĩ7h sáng 23/9, giới chức cứu hộ vùng Zermatt, điểm leo núi trượt tuyết nổi tiếng ở dãy Alps Thụy Sĩ, nhận cuộc gọi khẩn thông báo hai khách leo núi người Việt Nam cần sự giúp đỡ trên núi tuyết Matterhorn. Sau đó, Thụy Sĩ mở chiến dịch kéo dài 14 giờ, giải cứu hai người Việt Nam mắc kẹt khi leo núi Matterhorn, ở độ cao 3.500 m. Tờ Krone, một trong những báo lớn nhất tại Áo, chỉ trích hai du khách Việt “đã quá bất cẩn khi không trang bị đồ bảo hộ an toàn khi đi leo núi”.Tài khoản LyLi bình luận trong bài đăng trên VnExpress ngày 26/9: “Mình cũng leo núi tuyết ở Thụy Sĩ, Pháp, Italy nhưng đi chung đoàn của công ty du lịch, có người hướng dẫn. Không nên tự đi vì sẽ bị lạc và sẽ nguy hiểm”.Sau khi được giải cứu, khách Việt ước tính phải trả cho đội cứu hộ số tiền 8.000 euro.Tạo dáng yoga tại cung điện Hàn QuốcMột nữ khách Việt 37 tuổi sống tại Hà Nội đã tạo dáng chụp ảnh các động tác yoga bên ngoài Cung điện Gyeongbokgung trong chuyến du lịch Hàn Quốc từ 29/10 đến 4/11. Trong một động tác, nữ du khách tựa chân vào tường ngoài của cung điện.Nữ khách cho rằng việc quay video, chụp ảnh không vi phạm quy định và lúc tạo dáng yoga, nhiều khách du lịch đi qua vỗ tay cổ vũ, xin chụp ảnh chung. Sự việc gây tranh cãi tại cả Việt Nam và Hàn Quốc. Bài đăng ở fanpage với hơn 2,2 triệu người theo dõi có hàng nghìn bình luận chê trách. Một tài khoản bình luận: “Cung điện là nơi tôn nghiêm của đất nước họ, giống như đại nội Huế của mình. Sao lại hành xử như vậy, xấu hổ quá đi mất”.Ở phần bình luận trong bản tin của MBC News, cộng đồng mạng Hàn Quốc cũng không ủng hộ hành vi của du khách Việt Nam. Họ cho rằng hành động gây phản cảm khách sẽ gặp rắc rối lớn nếu ở trong nước và kêu gọi trục xuất nữ du khách.Gyeongbokgung là cung điện nổi tiếng nhất và lớn nhất ở Hàn Quốc, được xây dựng vào năm 1395 ở phía bắc Seoul. Cung điện là điểm tham quan thu hút du khách quốc tế khi đến Hàn Quốc.Sau khi bị chỉ trích, nữ du khách Việt cho biết “đã rút kinh nghiệm”, sẽ không chụp ảnh tương tự ở những nơi tôn nghiêm.Bỏ trốn sau chuyến du lịch JejuCơ quan quản lý du lịch đảo Jeju của Hàn Quốc hôm 3/12 cho biết 38 trong số 90 du khách Việt Nam đến đảo trên chuyến bay charter ngày 14/11 đã đột ngột cắt liên lạc và biến mất tại điểm tham quan cuối cùng theo lịch trình ngày 17/11.Nhóm du khách này đến Jeju từ Nha Trang, theo chương trình miễn visa, một phần trong chính sách phát triển du lịch địa phương của đảo. Người nước ngoài từ 64 quốc gia, trong đó có Việt Nam, được lưu trú tại đảo Jeju tối đa 30 ngày không cần visa.Lợi dụng thủ tục xét duyệt lỏng của công ty lữ hành, một số khách tạo hồ sơ đẹp bằng cách đi du lịch đường vòng qua châu Âu để làm hồ sơ du lịch Hàn Quốc và ở lại bất hợp pháp. Sự việc 38 khách Việt đi du lịch Jeju không lên máy bay về nước có thể khiến thủ tục xin visa bị siết chặt, gây khó khăn cho khách chân chính lẫn công ty lữ hành. Thạc sĩ Mai Thuận Lợi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch bền vững, Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP HCM, cho biết một trong những vấn đề đáng báo động trong ngành du lịch Việt hiện nay là tình trạng thiếu an toàn khi du lịch, đặc biệt là trong các chuyến đi tự phát, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chuyên gia khuyến cáo du khách cần chủ động tìm hiểu thông tin về điểm đến, chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ và luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.”Một số du khách thường không lường trước được những rủi ro như mất đồ, ngộ độc thực phẩm, hay các tai nạn ngoài ý muốn. Việc không chuẩn bị kỹ có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến chất lượng chuyến đi”, ông Lợi nói.Bên cạnh đó, những hành vi vô ý thức khi tham quan như xả rác bừa bãi, có hành động phản cảm nơi công cộng, hay bỏ trốn ở nước ngoài đang dần trở thành vấn đề “nhức nhối” trong ngành du lịch.Du lịch không chỉ là cơ hội để thư giãn, mà còn là cách để mọi người khám phá và tôn trọng văn hóa, môi trường xung quanh. “Nâng cao ý thức về du lịch an toàn, tôn trọng văn hóa và bảo vệ môi trường sẽ góp phần tạo nên những trải nghiệm tích cực, tạo vị thế cho du lịch Việt”, ông Lợi nói.Tuấn Anh
Nguồn
Vnexpress