Hải Phòng đang xây dựng kế hoạch phát triển các tuyến du lịch sông và đầu tư hạ tầng bến tàu hiện đại, nhằm đưa sản phẩm du lịch sông nước trở thành điểm nhấn đẳng cấp quốc tế vào năm 2030.
Các chuyên gia và nhà quản lý văn hóa – du lịch hàng đầu Việt Nam đã tập trung tại Hải Phòng chiều ngày 22/4 để cùng bàn thảo các định hướng và giải pháp phát triển du lịch đường thủy tại thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, nơi được mệnh danh là “thành phố của những dòng sông”.
Cơ hội và thách thức đan xen
Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức, với sự chủ trì của ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, nhấn mạnh hội thảo được tổ chức theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy nhằm xây dựng thương hiệu du lịch thành phố với sản phẩm chủ lực gắn với bản sắc văn hóa và lợi thế sông nước.
“Hải Phòng có hơn 50 con sông lớn nhỏ, là đô thị có mật độ sông ngòi lớn nhất miền Bắc”, bà Mai nói.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Đ.X.).
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định du lịch đường thủy là loại hình có tiềm năng lớn nhưng chưa được đầu tư tương xứng tại Hải Phòng, mặc dù các mô hình tương tự đã thành công tại các địa phương như Huế, TPHCM, Cần Thơ, hay quốc tế như Thái Lan, Pháp và Trung Quốc.
PGS.TS Dương Văn Sáu, chuyên gia du lịch từ Đại học Văn hóa Hà Nội, nhấn mạnh rằng Hải Phòng có điều kiện tự nhiên và văn hóa phù hợp để phát triển du lịch đường thủy, từ các tuyến sông trong nội đô đến các tuyến biển đảo. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nhiều thách thức, đặc biệt là về hạ tầng, bến cảng, phương tiện vận chuyển và hệ thống dịch vụ hỗ trợ chưa đồng bộ.
Ông đề xuất một loạt giải pháp như đầu tư nâng cấp các bến tàu hiện có (Bến Bính, Bến Tam Bạc, Đồ Sơn), mở rộng năng lực tiếp nhận du thuyền tại Cát Bà và Đình Vũ, và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng như tour du thuyền trên sông Cấm, trải nghiệm làng chài, hoặc khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn và chim nước.
Ông Nguyễn Quý Phương, đại diện Cục Du lịch Quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm theo chuyên đề: lịch sử – về nguồn, văn hóa – trải nghiệm, sinh thái – nghỉ dưỡng. Một số tuyến du lịch đường thủy được đề xuất bao gồm tuyến nội đô kết nối sông Cấm – Lạch Tray – Tam Bạc, tuyến liên tỉnh Hải Phòng – Yên Tử – Hạ Long, và tuyến biển đảo từ Cát Bà, Đồ Sơn kết hợp tour ngắm hoàng hôn và câu mực đêm.
Ngoài ra, ông Phương đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá như xây dựng bản đồ số các tuyến sông, bộ thuyết minh tiêu chuẩn và chiến dịch marketing số toàn diện trước, trong và sau chuyến đi.
Sản phẩm đặc thù là chìa khóa

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo (Ảnh: Đ.X.).
Tổng kết hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao tính thực tiễn và chiều sâu của các tham luận. Ông cho rằng Hải Phòng có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển du lịch đường thủy trở thành một trong những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia và quốc tế.
Ông Khánh cũng nêu rõ 5 “điểm nghẽn” lớn cần tháo gỡ: Nhận thức xã hội chưa đầy đủ, thể chế quản lý còn thiếu cụ thể, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, cảnh quan môi trường chưa được bảo tồn đồng bộ, và điểm đến du lịch chưa đủ sức hút.
Về chính sách, các đại biểu đề nghị chính quyền thành phố cần triển khai các gói ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào du lịch đường thủy, bao gồm hỗ trợ thuê đất, ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và giảm chi phí thuê bến cảng. Đồng thời, cần phân định rõ lĩnh vực đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân.

Bến du thuyền ra đảo Vũ Yên, Hải Phòng (Ảnh: Đ.X.).
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh giải pháp then chốt là xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chú trọng sự khác biệt, chất lượng cao và gắn với bản sắc văn hóa địa phương.
Các loại hình như du lịch sinh thái, cộng đồng, ẩm thực và văn hóa cần được tích hợp trong hành trình khám phá sông nước Hải Phòng. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, và tăng cường liên kết vùng cũng là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch bền vững.
“Chúng ta cần định vị du lịch đường thủy Hải Phòng không chỉ là sản phẩm tiềm năng, mà là sản phẩm đẳng cấp, góp phần nâng tầm vị thế thành phố trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế”, ông Khánh khẳng định.
Theo