Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, du lịch đang trở thành điểm sáng của bức tranh kinh tế đất nước. Năm 2024, ngành đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 840.000 tỷ đồng.
Du lịch trở thành điểm sáng nhưng còn nhiều vướng mắc
Trong hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn“, Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định, sau 7 năm thực hiện, đến nay, du lịch trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, năm 2024, ngành đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 110 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”.
Trong 10 sự kiện Văn hóa Thể thao và Du lịch tiêu biểu của năm 2024, có tới 5 sự kiện về du lịch và các vấn đề có liên quan tới du lịch cũng nằm tại danh sách này.
Thời gian qua, lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng nhanh. Sự tăng trưởng của ngành cũng tác động tới nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo nông thôn, giúp bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên hiện ngành vẫn có những hạn chế tồn đọng nhất định.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Phạm Văn Thủy thừa nhận, mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi phải có sự tham gia từ cộng đồng doanh nghiệp, vào cuộc của nhiều ban ngành và huy động nguồn lực xã hội.
“Tuy nhiên, nhận thức của các cấp ngành địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn lại chưa đồng đều”, ông Thủy nhận định.
Cụ thể, sự phối hợp liên ngành liên vùng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong nhận thức và hành động. Nhiều địa phương có dư địa để phát triển du lịch, nhưng còn thiếu định hướng để phát triển.
Trong khi đó, có địa phương tuy không đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả.
Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp với các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan tới tính mạng, du lịch nông thôn…
Số liệu được Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm đưa ra, chỉ tính riêng trong năm 2024, hơn 400 tổ chức, cá nhân sai phạm trong kinh doanh du lịch đã bị xử lý.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cũng kiến nghị, Chính phủ cần có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về du lịch với các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Ngoài ra, việc quản lý người Việt Nam ra nước ngoài du lịch cũng cần được quan tâm.
“Hiến kế” để đưa du lịch Việt Nam thành ngành mũi nhọn
Năm 2025, ngành đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước dịch; đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm.
Ngành cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980-1.050 nghìn tỷ đồng doanh thu, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, nếu hướng tới việc đưa du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có sự thay đổi quyết liệt.
Ông Kỳ đưa ra dẫn chứng số liệu: Năm 2023 ngành du lịch Thái Lan đóng góp 23% GDP, du lịch thế giới đóng góp 10,3% GDP, trong khi đó Việt Nam chỉ đạt trên 7% GDP. Con số đóng góp GDP này vẫn thấp hơn bình quân thế giới là 10,3%.
“Chúng ta cần đánh giá lại chiến lược phát triển, bám sát sự phát triển của đất nước trong đó nhấn mạnh việc đầu tư cho du lịch, đồng thời tính toán bộ khung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp du lịch.
Để xây dựng, phát triển các doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu, Hàn Quốc mất tới 30 năm, Trung Quốc 17 năm. Việt Nam cũng cần có kế hoạch, tính toán xa để xây dựng những doanh nghiệp có khả năng này”, ông Kỳ phân tích.
Hiện trên thế giới, các quốc gia cạnh tranh du lịch thông qua 4 hình thức gồm chính sách, xúc tiến, quảng bá truyền thông và thế mạnh quốc gia.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, đây là lúc Việt Nam cần xem lại sức mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực, những bất cập còn tồn đọng của Luật Du lịch 2017 và sửa đổi, qua đó giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Tháng 1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nghị quyết nêu rõ việc “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác”.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam.
Nghị quyết 08-NQ/TW là văn kiện rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của ngành du lịch.
Theo