Đại Cung Môn là cổng chính của Tử Cấm Thành, khu vực các vị vua cùng phi tần triều Nguyễn sống và làm việc bên trong Đại nội Huế.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thông tin về việc hoàn tất quá trình khảo cổ học tại công trình Đại Cung Môn, nằm trong khu vực Đại nội Huế.
Trước đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích này, nhằm thu thập thêm dữ liệu phục vụ cho việc phục dựng công trình có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt.

Các chuyên gia đào hố khảo cổ học công trình Đại Cung Môn bên trong khu vực Tử Cấm Thành Huế (Ảnh: Liên Minh).
Diện tích khai quật khảo cổ rộng 60m2, gồm 3 hố, mỗi hố rộng 20m2, nằm ngay phía sau điện Thái Hòa. Các hiện vật thu thập được sẽ được bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để tránh hư hỏng và thất lạc.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, quá trình khảo cổ tại hiện trường đã hoàn tất và các chuyên gia đang lập báo cáo kết quả để trình hội đồng thẩm định.
Như Dân trí đã đưa tin, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 20 vào ngày 15/11/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua chủ trương đầu tư dự án phục hồi di tích Đại Cung Môn.
Dự án này nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới, với tổng mức đầu tư hơn 64 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm.
Các hạng mục của dự án bao gồm tu bổ, phục hồi phần nền móng công trình, phục hồi phần chính của Đại Cung Môn, và tu bổ các khu vực xung quanh như sân trước, sân sau, hệ thống lan can và bình phong. Dự án cũng sẽ cải tạo hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước và lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy cùng hệ thống camera.

Đại nội Huế nhìn từ trên cao (Ảnh: Vi Thảo).
Theo UBND thành phố Huế, Đại Cung Môn được xây dựng năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng, là công trình gỗ tinh xảo với phần ngói hoàng lưu ly. Đây là cửa chính của Tử Cấm Thành, mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật.
Công trình này cùng với điện Cần Chánh và một số cung điện khác trong Tử Cấm Thành đã bị phá hủy trong chiến tranh, chỉ còn lại phần nền móng.
Theo