Từng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) nay đang đổi thay từng ngày nhờ một loại cây trồng – cây đào tiên.
Cây trồng bản địa, giá trị cao
Chúng tôi đến với tỉnh Bắc Kạn vào một ngày tháng 3 gió xuân vẫn còn vi vút và nắng xuân ấm áp mọi nẻo đường. Ở đèo Gió – nơi nằm giữa những dãy núi cao, những con suối trong lành và các thung lũng tươi mát, tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và trong lành. Mùa xuân, đào Pác Ả nở rộ, đèo Gió trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích chụp ảnh và tham quan cảnh đẹp.
![]() |
Đèo Gió là điểm đến hấp dẫn du khách (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bắc Kạn) |
Không phải ngẫu nhiên mà cây đào lại bén rễ, phát triển mạnh ở Ngân Sơn. Nằm ở độ cao trung bình khoảng 800 – 1.000m so với mực nước biển, khu vực đèo Gió (xã Vân Tùng) thường xuyên có khí hậu mát mẻ vào mùa hè, lạnh giá vào mùa đông – là điều kiện lý tưởng để cây đào sinh trưởng tốt. Đặc biệt, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, khi hoa đào nở rộ, những vùng trồng đào như Pác Ả (thị trấn Nà Phặc), thôn Đèo Gió (xã Vân Tùng) lại rực rỡ sắc hồng, thu hút đông đảo du khách tới chụp ảnh, mua đào chơi Tết, du xuân và trải nghiệm không khí vùng cao.
Điểm nổi bật nhất của đào Ngân Sơn chính là chất lượng trái. Quả đào tiên Pác Ả – giống đào ta bản địa – được trồng ở khu vực núi cao, có hương vị ngọt giòn, đậm đà và khác biệt rõ nét so với đào Trung Quốc hay đào các vùng miền khác. Hiện, toàn huyện Ngân Sơn có hơn 30ha diện tích trồng đào, mỗi vụ thu hoạch khoảng 700 tấn, năng suất đạt 48 tạ/ha. Giá bán dao động từ 25.000 – 50.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và thời điểm thu hoạch.
Đặc biệt, HTX Đào tiên Pác Ả, một trong những đơn vị tiên phong thương mại hóa cây đào, đã tạo được bước đi vững chắc. Với 11 thành viên, HTX hiện canh tác 10ha đào đang cho thu hoạch và khoảng 20ha đang trồng mới. Bà Hoàng Thị Hải – Giám đốc HTX – chia sẻ, chúnh tôi đang nghiên cứu thêm các hướng đi mới như chế biến sâu: trà đào, rượu đào, đào sấy dẻo… và phát triển du lịch trải nghiệm theo mùa vụ.
Chính sự mạnh dạn đó đã giúp HTX không chỉ tiêu thụ tốt sản phẩm tại thị trường Bắc Kạn mà còn mở rộng đến các tỉnh như Thái Nguyên, Cao Bằng, và cả trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo.
Từ vườn đào thành điểm du lịch trải nghiệm
Nếu trước đây, người dân chỉ trồng đào để bán quả hoặc hoa dịp Tết thì nay các thành viên HTX đã bắt đầu chuyển đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp sang kinh tế du lịch cộng đồng. Tại các vườn đào ở Pác Ả, Đèo Gió, người dân dựng thêm tiểu cảnh, trồng hoa dưới tán cây, cắt tỉa cành tạo dáng, mở dịch vụ chụp ảnh check-in. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt khách đến tham quan, với giá vé vào vườn là 10.000 đồng/người. Sau mùa hoa là đến mùa quả, giúp chuỗi trải nghiệm không bị gián đoạn.
![]() |
Sắc đào Ngân Sơn (Ảnh: Ngọc Hân) |
Huyện Ngân Sơn cũng chủ động hỗ trợ phát triển mô hình du lịch canh nông gắn với các HTX như: HTX Đào tiên Pác Ả, HTX Du lịch Tiến Thịnh, hỗ trợ xây dựng điểm check-in tại đèo Khau Khang, hỗ trợ người dân làm nhà chòi đón khách, phát triển dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng…
Tại HTX đào tiên Pác Ả (thị trấn Nà Phặc) nhờ đầu tư trồng đào và chế biến theo quy trình, bảo đảm an toàn thực phẩm, HTX đã đưa đào trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Chỉ tính riêng việc trồng đào tươi cũng giúp nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó còn chưa tính đến nguồn thu từ việc phát triển du lịch trải nghiệm mùa hoa đào và mùa thu hái quả đào.
Không chỉ dừng lại ở kinh tế hộ hay kinh tế hợp tác, huyện Ngân Sơn đã có những bước đi bài bản để nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chương trình OCOP. Quả đào tiên Pác Ả đã được đánh giá đạt tiêu chí OCOP 3 sao, mở đường cho sản phẩm tiếp cận các kênh phân phối lớn hơn, thị trường rộng hơn. Huyện cũng phối hợp với Viện Rau quả Trung ương để phục tráng và bảo tồn giống đào bản địa, công nhận cây đầu dòng, chuẩn bị điều kiện nhân rộng vùng trồng chất lượng cao.
![]() |
Trái đào Ngân Sơn mang lại giá trị cao (Ảnh: Ngọc Hân) |
Tới đây, huyện tiếp tục mở rộng thêm 13ha đào tại thị trấn Nà Phặc, xã Vân Tùng và Đức Vân. UBND huyện đã ban hành kế hoạch bảo tồn hơn 20ha đào ta đã trồng từ nhiều năm trước và nhân rộng cho người dân trồng mới. Ngoài ra, người dân và HTX còn được tổ chức đi học hỏi kinh nghiệm phát triển sản phẩm đào tại huyện Mộc Châu (Sơn La) – nơi có kinh nghiệm dày dặn trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.
Từ cây trồng truyền thống đến đòn bẩy phát triển
Đào tiên Ngân Sơn không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp đơn thuần. Nó là biểu tượng của sự chuyển mình mạnh mẽ của người dân vùng cao Bắc Kạn – từ tư duy sản xuất manh mún sang tư duy thị trường. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho cách làm nông nghiệp bền vững: lấy giá trị bản địa làm nền tảng, cộng hưởng với sáng tạo và đầu tư bài bản để nâng tầm giá trị nông sản.
Không dừng lại ở đó, huyện Ngân Sơn đã xây dựng đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021–2025. Trong đó, cây đào tiên là một trong những mắt xích quan trọng gắn liền với văn hóa dân tộc và phát triển du lịch vùng cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cũng thừa nhận rằng, để quả đào thực sự trở thành “cây đổi đời” thì cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa: từ đầu tư hạ tầng giao thông, vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu, đến xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và thu hút doanh nghiệp liên kết. Quan trọng hơn cả, là sự vào cuộc của người dân với tư duy đổi mới, sẵn sàng học hỏi và hợp tác.
Từ quả đào nhỏ bé, Ngân Sơn đang viết lại câu chuyện phát triển nông thôn mới bằng chính bản sắc văn hóa, tài nguyên bản địa và khát vọng vươn lên thoát nghèo.
“Chừng nào còn mùa hoa đào nở rộ trên đèo Gió, thì chừng đó còn khát vọng đổi thay của người dân Ngân Sơn chưa bao giờ tắt” – một người dân Pác Ả chia sẻ. Chính ước mơ giản đơn đó của người dân Ngân Sơn đã giúp sắc đào thêm thắm, trái đào Ngân Sơn thêm ngọt và du lịch Ngân Sơn thêm nhiều khởi sắc.
Từ loại trái cây gắn liền với đời sống người dân bản địa, đào tiên đã trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, giúp hàng trăm hộ dân vùng cao thoát nghèo, làm giàu và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái bền vững cho cả huyện miền núi này. |
Theo