Có kết quả xét nghiệm ADN, chị Ph. (sống ở Quảng Ninh) bật khóc khi trao lại em bé bị bỏ rơi cho mẹ đẻ sau một thời gian ngắn chăm sóc.
Tiếng khóc của em bé sơ sinh trong chiếc giỏ nhựa
Lúc nửa đêm một ngày giữa tháng 3, chị Ph. (ngụ tại khu phố Hải Tân, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) nghe thấy tiếng trẻ con khóc ngoài cửa vọng vào.
Thấy lạ, chị vội vã chạy ra cổng thì thấy một chiếc giỏ nhựa đặt ngay ngắn trước cửa. Âm thanh ọ ẹ phát ra từ chiếc giỏ. Chị Ph. sợ giật thót, nghĩ ngay tới chuyện những em bé sơ sinh bị bỏ rơi nên vội vã bê giỏ vào nhà rồi mở ra xem.
Bên trong chiếc giỏ là một bé gái sơ sinh còn non nớt chưa đầy một tháng tuổi. Bé mặc bộ quần áo cũ, được quấn khăn. Lục tìm trong chiếc giỏ, gia đình chị Ph. không thấy bất cứ mẩu thông tin nào của em bé. Người bỏ con cũng không nhắn nhủ lại điều gì.
Giây phút ấy khiến cả nhà đều bàng hoàng và lập tức báo với chính quyền địa phương. Do chị Ph. chưa lập gia đình và đang ở cùng bố mẹ nên ngỏ ý muốn nhận nuôi em bé.
“Chính quyền địa phương khuyên gia đình nuôi em bé trong vòng 30 ngày. Nếu trong khoảng thời gian này, mẹ ruột của em bé không quay lại tìm con, chúng tôi mới làm được thủ tục nhận nuôi em bé chính thức. Tôi cũng nghĩ tới việc sẽ nhận con để nuôi dưỡng”, chị Ph. nói.
Hôm sau, chị Ph. đưa em bé đi khám sàng lọc, tiêm phòng, mua bỉm sữa và quần áo mới. Ban ngày chị đi làm được mẹ trông giúp em bé. Còn về đêm, hai mẹ con lại thay phiên nhau chăm sóc.
Dường như cảm nhận được tình cảm yêu thương ở gia đình mới, em bé rất ngoan và ít khóc quấy. Con chỉ ọ ẹ khi đói, nhưng được ăn no sữa lại lăn ra ngủ ngon lành.
Như một thiên thần nhỏ đột nhiên xuất hiện ở gia đình khiến cả nhà chị Ph. đều rất vui. Đặc biệt cháu trai chị Ph. là con của người chị ruột sống ở nhà đối diện rất yêu quý em bé. Đã có chị gái nên cậu bé rất mong có thêm em bé để chơi đùa cùng. Ngày nào cũng vậy, cứ hết giờ đến trường, bé lại chạy sang nhà ông bà ngoại để chơi cùng em.
Nhưng niềm vui chỉ kéo dài khoảng nửa tháng. Cuối tháng 3, một người phụ nữ trẻ tự nhận là mẹ ruột của em bé tới nhà gặp chị Ph. để xin nhận lại nuôi con.
Theo quy định, chị Ph. liên hệ với một đơn vị xét nghiệm nhờ họ tới nhà lấy mẫu ADN để xác minh mối quan hệ huyết thống giữa em bé và người phụ nữ.
Kết quả cho thấy, người phụ nữ trẻ chính là mẹ ruột của em bé. Giây phút biết kết quả ADN khiến cả 2 người mẹ đều bật khóc. Dù dành nhiều tình cảm với em bé, chị Ph. sẵn sàng trao trả lại con.
Giây phút trao con về với mẹ ruột khiến nhiều người chứng kiến nhói lòng. Cháu trai chị Ph. khóc nức nở vì không muốn xa em. Mới gắn bó khoảng nửa tháng nhưng em bé đã khiến các thành viên trong gia đình đều dành nhiều sự yêu thương.
Chị Ph. chia sẻ, sự việc đã trôi qua nhưng người cháu trai vẫn tỏ ra quyến luyến và nhớ em. Ngày nào bé cũng hỏi xem tình hình em thế nào. Mọi người đành nói lảng tránh sang việc khác để con dần quên những câu chuyện cũ.
Chưa từng làm mẹ nên chị Ph. rất mong người mẹ ruột biết trân trọng và chăm sóc con thật tốt, nuôi dạy cháu nên người. Trước những ý kiến cho rằng, nếu không may em bé bị bỏ rơi thêm một lần nữa, chị Ph. khẳng định luôn sẵn lòng đón con về để chăm nuôi.
Những người chứng kiến nói gì?
Anh Hoàng Văn Lộc (Đại diện trung tâm xét nghiệm ADN) – người trực tiếp lấy mẫu để xét nghiệm ADN cho em bé và người mẹ – chia sẻ: “Đây là trường hợp hi hữu kể từ khi tôi làm công việc này”.
“Chúng tôi lấy mẫu từ móng tay và tóc của hai mẹ con để tiến hành xét nghiệm. Sau 3 ngày, kết quả cho thấy em bé bị bỏ rơi và cô gái sinh năm 2003 là mẹ con”, anh Lộc chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Cường (Trưởng khu phố Hải Tân, Hải Hà, Quảng Ninh) xác nhận có sự việc xét nghiệm ADN để trao lại em bé bị bỏ rơi cho mẹ đẻ trên địa bàn.
“Đứa trẻ bị bỏ rơi trước nhà chị Ph. lúc 7 ngày tuổi. Khoảng 10 ngày sau, người mẹ suy nghĩ lại nên mong muốn được đưa con về chăm sóc.
Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đứa bé và người mẹ được xác định có quan hệ huyết thống nên chính quyền địa phương đã trao lại cho gia đình chăm sóc”, ông Cường thông tin.
Ông Cường cho hay: “Chị Ph. chưa lập gia đình, sống cùng bố mẹ đã già nên thật lòng mong muốn nhận đứa trẻ làm con nuôi”.
Theo