Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết đoàn giám sát của UNESCO sẽ đến đánh giá vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà vào đầu tháng 3/2025 theo các khuyến nghị trước đó.
Tại Hội nghị Thông tin báo chí thường kỳ chiều 24/12, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường cho biết đoàn Giám sát phản hồi của Trung tâm Di sản Thế giới và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới được Việt Nam mời đến theo khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Trước đó, trong Nghị quyết 46 được thông qua hồi tháng 7 tại New Delhi của UNESCO, các chuyên gia của cơ quan này quan ngại nhiều vấn đề như ranh giới di sản, môi trường, rác thải tại vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, quần thể được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào tháng 9/2023.
Theo ông Cường, một trong những vấn đề được UNESCO nhắc đi nhắc lại, không chỉ trong Nghị quyết 46 mà cả trước đó là các dự án du lịch, phát triển đô thị ven bờ vịnh Hạ Long đã được đánh giá hay chưa. Trước đó, Việt Nam đã có báo cáo về ảnh hưởng đến vùng đệm vịnh của 8 dự án và UNESCO đề nghị cần làm rõ cái nào đã hoạt động, cái nào đang triển khai. Ban Quản lý và các bên đang xây dựng báo có việc này. “Đoàn giám sát sắp tới cũng sẽ đánh giá vấn đề này”, ông nói.
Ông Cường cũng cho biết giám sát phản hồi là quy trình báo cáo của WHC, các bên liên quan (cơ quan quản lý, khách du lịch, chuyên gia, nhà khoa học) và các cơ quan tư vấn lên Trung tâm Di sản Thế giới về tình trạng bảo tồn di sản trong Danh mục Di sản thế giới và Danh mục Di sản lâm nguy. Ông khẳng định vịnh Hạ Long chưa bao giờ bị đưa vào danh sách Di sản lâm nguy.
Nói thêm về quan ngại của UNESCO liên quan vấn đề xây dựng các dự án quanh vịnh, ông Cường cho biết vịnh Hạ Long có vùng lõi và vùng đệm rộng lớn, sát nhiều đô thị lớn, gắn với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ven biển. Việc tác động vùng đệm là “không tránh khỏi”.
Điều quan trọng, theo ông Cường, là vịnh có quy định, ranh giới để bảo vệ. Khi quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới, ranh giới thay đổi nên cần điều chỉnh. UNESCO yêu cầu nộp điều chỉnh này và quan điểm của UNESCO không cấm phát triển kinh tế xã hội ở vùng đệm, nhưng cần công khai, có ý kiến với UNESCO.
Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng cho rằng cảnh quan ven bờ chưa tương xứng với vịnh nên tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hàng loạt dự án đô thị, nghỉ dưỡng. Các dự án phù hợp với quy hoạch, đúng trình tự cũng như đã xin ý kiến bộ ban ngành trước khi cấp phép và đều đảm bảo kinh tế xã hội, thay đổi cơ cấu kinh tế, hiệu quả. Nhiều dự án là điểm nhấn cảnh quan, hình thành điểm du lịch ven bờ.
“Các dự án này cũng đã báo cáo với UNESCO và Việt Nam đang phối hợp với các địa phương lên danh sách cụ thể và thông tin sau”, ông Cường nói.
Về vấn đề nước thải trên vịnh, các tàu phải có phương tiện thu gom và được chính quyền theo dõi. Đối với vấn đề nước thải ven bờ, TP Hạ Long đang nghiên cứu để triển khai, hiện mới có 60% lượng nước thải trên bờ được xử lý.
Ông Cường cho biết thêm UNESCO đã có bộ tiêu chí đánh giá tác động di sản nhưng chưa được luật hóa ở Việt Nam. Ban quản lý muốn làm theo UNESCO “là rất khó”. “Cái này chúng tôi sẽ báo cáo với cấp trên”, ông Cường nói.
Hiện, bản điều khoản tham chiếu về chuyến công tác của đoàn giám sát đang được Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO soạn thảo và gửi tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng. Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang phối hợp các bên liên quan để chuẩn bị làm việc với đoàn.
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, có diện tích hơn 1.500 km2 với gần 2.000 đảo lớn nhỏ. Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới từ năm 1994 với tiêu chí về vẻ đẹp cảnh quan và được công nhận lần thứ hai với tiêu chí về giá trị địa chất năm 2000. Tháng 9/2023, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Khu vực thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Lê Tân
Nguồn