Tết về Đầm Hà trong tiết trời se lạnh đặc trưng của mùa xuân. Người dân hối hả, tấp nập trong các phiên chợ cuối năm, những hoạt động vui xuân đón Tết ở khắp các thôn, bản… Tất cả tạo nên một không khí đón Tết ấm cúng và sôi động. Trong không khí rộn ràng ấy, nghe văng vẳng điệu hát Nhà tơ mềm mại, da diết với những lời luyến láy, nhấn nhá thu hút lòng người.
“Báu vật sống” của làn điệu Nhà tơ
Hát Nhà tơ – Hát, múa cửa đình ở huyện Đầm Hà gắn liền với tín ngưỡng, văn hóa, phong tục địa phương, là phần không thể thiếu trong lễ hội đình truyền thống hằng năm cùng nhiều sự kiện quan trọng khác của cộng đồng dân cư. Loại hình nghệ thuật dân gian này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015. Trong hát Nhà tơ – Hát, múa cửa đình, các nghệ nhân được xem như là “báu vật sống” để lưu giữ linh hồn của di sản. Nghệ nhân Đặng Thị Tự ở thôn Trại Giữa (xã Đầm Hà) là một trong những “báu vật” đó.
Sinh ra và lớn lên nơi vùng đất mặn mòi cửa biển, cụ Tự mang nét đặc trưng của người phụ nữ Đầm Hà với khuôn mặt tròn, hiền lành, phúc hậu. Những làn điệu Nhà tơ cuốn theo cụ từ khi còn là cô bé 9, 10 tuổi, cụ thường theo mẹ xem hát, múa trong lễ hội đình Đầm Hà. Bước sang tuổi 104, giọng hát không còn khỏe khoắn như trước, nhưng những làn điệu Nhà tơ vẫn được Nghệ nhân Đặng Thị Tự nhớ từng câu, từng chữ.
Nguồn gốc làn điệu hát Nhà tơ nơi đây mà cụ Tự được các ông, bà xưa kể lại là có từ thời chống thực dân Pháp. Lúc bấy giờ, trong làng có người học được nghệ thuật và làn điệu hát Nhà tơ ở Vạn Ninh (Móng Cái), sau đó trở về dạy cho con, cháu của làng. Mẹ và thím của cụ Tự là lứa học trò học hát Nhà tơ từ thuở ban đầu ấy. Năm 14 tuổi, cụ Tự bắt đầu học hát từ mẹ và thím. Khi cụ 15 tuổi, mẹ cụ qua đời, nhưng niềm đam mê học hát Nhà tơ vẫn bừng cháy; cụ tiếp tục theo học từ người thím và các cô, các bá biết hát, biết múa trong làng.
Cụ Đặng Thị Tự và những người có niềm đam mê học hát Nhà tơ thời bấy giờ đều không biết chữ; bởi vậy từng lời ca được tiếp thu, ghi nhớ qua truyền miệng. Với năng khiếu của mình, cụ Tự là học trò ưu tú thuộc được cả những bài hát Nhà tơ rất dài, như bài “Phú Lưu Bình”, bài trong điệu giọng thập nhị tứ hiếu…
Cụ Tự có chất giọng khá đặc biệt, vừa vang vọng, khỏe khoắn, vừa mặn mòi, mềm mại, mượt mà… Bởi vậy, dù điệu hát Nhà tơ có đến 9 điệu: Giọng vọng, giọng thét nhạc, giọng thả, giọng huỳnh, giọng giai, giọng phú, giọng xà lam (ca trù), giọng hãm và giọng thập nhị tứ hiếu; nhưng làn điệu nào qua giọng hát của cụ cũng trở nên thắm đượm, lôi cuốn người nghe mãi không thôi.
Theo cụ Tự, để hát được các làn điệu, đào hát không chỉ cần có chất giọng, mà khi hát phải nắm được nghệ thuật, biết ém hơi, nhả chữ, khi lên bổng, lúc xuống trầm, lúc lại ngân nga dìu dặt… Với năng khiếu của mình, năm 17 tuổi, cụ Tự đã được mời tham gia hát, múa ở rất nhiều hội đình làng ở các huyện miền Đông, như: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái vào dịp đầu xuân. Đến bây giờ, có những thứ đã quên theo tuổi tác, nhưng 39 bài hát với gần 800 câu thuộc 9 giai điệu cổ của hát Nhà tơ vẫn được cụ Tự nhớ mãi. Những làn điệu, bài hát ấy được huyện Đầm Hà sưu tầm thành cuốn sách để các câu lạc bộ truyền dạy cho các thế hệ nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc nơi đây.
Hát Nhà tơ được coi là một biến thể, một trong số 46 làn điệu của ca trù Việt Nam. Tuy nhiên, khác với ca trù, hát Nhà tơ ngoài lời hát, còn rất coi trọng múa. Gần như khi trình diễn, tất cả các làn điệu hát đều có múa đi kèm. Bởi vậy trong hát Nhà tơ, đào nương chủ yếu là đứng hát. Cụ Đặng Thị Tự còn là người giúp bảo tồn được 4 điệu múa cổ: Múa Tế, múa Dâng hương, múa Đội đèn, múa Bông (còn gọi là múa Tống thần) trong lễ hội đình làng ở các huyện miền Đông trong tỉnh. Sự uyển chuyển của các điệu múa kết hợp với vai trò của trống cái, của xênh kết hợp với trống con và phách, đã tạo ra cái không khí tưng bừng của lễ hội.
Hát Nhà tơ có ý nghĩa trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân vùng biển khu vực miền Đông của Quảng Ninh nói chung, ở Đầm Hà nói riêng và thường được thực hiện trong các hội đình làng. Theo đó, nội dung các bài hát thường ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tôn vinh những vị anh hùng, những người có công với nước, với làng, ca ngợi truyền thống hiếu thảo của người dân mặn mòi vùng biển…: “Công cha mẹ bằng trời, bằng bể/ Chữ báo ân thế dĩ nan thù…/ Cho con được thông minh trí tuệ/ Nửa một mai khôi khoa tiễn sĩ/ Vợ con đều phú quý hiển vinh/ Cho bõ công bác, mẹ dưỡng sinh/…
Hát Nhà tơ ở Đầm Hà cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhất là từ năm 1963, khi đình Đầm Hà và nhiều ngôi đình khác ở khu vực miền Đông của tỉnh bị dỡ bỏ, hội đình không còn được tổ chức, hát Nhà tơ cũng theo thời gian mai một dần…
Tuy nhiên, từ khi “thấm” lời ca trong hát Nhà tơ, mong muốn của cụ Tự chính là truyền lại các điệu hát, điệu múa cho con cháu để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này. Bởi vậy mà lúc rảnh rỗi, cụ vẫn hát cho con, cho cháu nghe, dạy con gái các làn điệu. Cụ Tự có ba người con gái, may mắn con gái út của cụ là bà Lương Thị Tuyết cũng có niềm đam mê giống mẹ. Bà Tuyết năm nay đã 61 tuổi. Bà cũng học hát từ mẹ khi mới 14 tuổi. Bà kể: “Mẹ tôi thường thủ thỉ với con gái, chỉ sợ tuổi ngày càng cao, những cụ biết hát trong làng cũng đã dần mất đi, những điệu hát Nhà tơ không còn ai biết tới thì quá đáng tiếc. Giai đoạn 1963-2007, khi trên địa bàn không còn tổ chức các hội đình làng, mẹ vẫn thường xuyên nhắc tôi và các cháu ôn lại lời hát, điệu múa”.
May mắn đến năm 2009, cùng với việc xây dựng lại đình Đầm Hà và phục dựng lại lễ hội đình Đầm Hà, các giá trị văn hóa có liên quan cũng được khôi phục, phát huy. Cụ Tự được mời đến các lớp dạy hát Nhà tơ – Hát múa cửa đình để truyền dạy cho hàng trăm học viên trong, ngoài huyện. Cũng trong năm ấy, cụ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.
Đặc biệt, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận hát Nhà tơ – Hát, múa cửa đình của Quảng Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, cụ Tự tích cực tham gia lưu giữ, truyền dạy các điệu hát, múa này. Năm 2015, cụ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Và năm 2019, cụ là người Quảng Ninh đầu tiên được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Giờ đây tuổi đã cao, cụ Tự không thể đi đây, đi đó như trước; tuy nhiên, tiếp nối truyền thống, con gái cụ là bà Lương Thị Tuyết và cháu gái của cụ – chị Lương Thị Khương tiếp tục tham gia các lớp dạy hát Nhà tơ – Hát, múa cửa đình cho thế hệ trẻ có niềm đam mê trên địa bàn. Hiện bà Lương Thị Tuyết là Chủ nhiệm CLB hát Nhà tơ của xã. Nói về điều này, bà Tuyết tâm sự: “Nhà nông, công việc đồng áng luôn bận rộn, nhưng nhớ đến sự tâm huyết của mẹ và của chính bản thân với mong muốn gìn giữ nét đẹp của di sản văn hóa phi vật thể này, nên tôi vẫn tham gia CLB hát Nhà tơ của xã và tham gia dạy hát cho các CLB hát Nhà tơ của học sinh trên địa bàn”.
Dòng chảy bền bỉ ở vùng Đông Bắc
Theo danh sách kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, hát Nhà tơ – Hát, múa cửa đình là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, phân bố ở TP Móng Cái, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà và huyện Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Hát Nhà tơ – Hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh đã tồn tại trong dân gian từ thế kỷ thứ XIII trên một không gian rộng và lưu truyền từ đời này qua đời khác ở vùng ven biển Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Các điệu hát, múa được hình thành và gắn liền với dòng chảy của văn hoá lịch sử và văn hoá tâm linh, thể hiện ở việc hát Nhà tơ – Hát, múa cửa đình thường gắn với các đình làng như: Ở Móng Cái gắn với đình Trà Cổ, đình làng Bầu, đình Vạn Ninh ở Đầm Hà gắn với đình Đầm Hà, đình Tràng Y (đình Áo Dài); ở Vân Đồn có đình Quan Lạn, đình Hà Vực; ở Hải Hà có đình My Sơn.
Khác với ca trù, ở Quảng Ninh, không gian trình diễn hát Nhà tơ – Hát, múa ở cửa đình rộng, nhiều người cùng hát, múa; người hát, người đánh đàn đáy, gõ trống chầu đều đứng hoặc ngồi để hát; người gõ phách có thể là người hát hoặc không phải là người hát; trang phục đều mặc trang phục truyền thống áo dài màu nâu; trước khi hát có 3 bài múa, tốp múa có từ 6 đến 8 người, có khi tới 10 đến 12 người; riêng múa dâng hương có 2 bài, múa đón thần về đình làng (rước thần), múa dâng hương trước sau đó là múa dâng hoa mừng thần, múa đèn tiễn thần, cả tốp múa đều hát.
Diễn trình của Hát Nhà tơ thường theo trình tự: Giáo trống, Giáo hương, Dâng hương, Hát giai, Đọc phú, Ngâm thơ, Thổng, Dồn, Gửi thư, Hát múa Đại thạch hay Đại thực, Hát múa bỏ bộ, Hát múa bài bông, Tấu nhạc và múa tứ linh.
Không gian hát Nhà tơ thường diễn ra tại các đình làng trong ngày hội đầu xuân. Đây là một loại hình nghệ thuật diễn xướng trước thần thánh, trước các vị anh hùng dân tộc nên biểu diễn hát Nhà tơ – Hát, múa cửa đình mang tính kỷ luật cao. Các đào hát không chỉ hát hay, múa dẻo mà còn phải biết kết hợp nhuần nhuyễn với các loại nhạc cụ. Những câu hát chúc thần như lời chào của người hát với thần linh sẽ bắt đầu buổi trình diễn; sau đó, các đào hát sẽ hát những bài hát hay câu hát có nội dung ca ngợi lòng trung của bề tôi với vua, răn dạy về đạo đức, khuyên bảo con cái về đạo hiếu, về tình làng nghĩa xóm…:
Ngồi nghe một tiếng tỳ ai/ Tiếng khoan, tiếng nhặt đêm đông trường/Gió lọt mùi nhang, đức thánh quan mở tiệc vinh vang/…./ Mừng vua muôn tuổi ngự muôn dân/…
Hay: “Thiếp thời giữ chân giày, tay dệt/Chàng thì ôn kinh thánh tiên hiền/Sang canh năm xin đỗ tay quyền/miền Đông Bắc nhà, thôn gióng giả/…
Trước đây, các lớp học hát Nhà tơ ở huyện Đầm Hà chủ yếu là người lớn tuổi. Nhưng nay, niềm đam mê gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này được lan truyền, thu hút thế hệ trẻ. Bí thư Đoàn thanh niên xã Đầm Hà Đặng Minh Hải cho biết: Từ tháng 3/2024, Đoàn Thanh niên xã Đầm Hà ra mắt 2 CLB “Hát Nhà tơ trong trường học” tại Trường Tiểu học xã Đầm Hà và Trường THCS xã Đầm Hà với tổng số 50 học sinh tham gia. Các thành viên CLB duy trì lịch sinh hoạt, luyện tập hát Nhà tơ mỗi tháng 2 buổi vào chiều thứ năm, và người dạy hát chính là các cô, các bà trong CLB hát Nhà tơ của xã, trong đó có bà Lương Thị Tuyết và bà Lương Thị Khương.
Dù mới đi vào hoạt động, song CLB đã tạo được sự hứng thú, say mê cho các thành viên tham gia. Cô bé Lê Thị Hoài, thôn Trại Khe, học sinh lớp 6A, Trường THCS xã Đầm Hà – một trong những học viên có chất giọng tốt, tâm sự: “Cháu hay theo ông bà, bố mẹ đi xem hát Nhà tơ mỗi khi huyện tổ chức Lễ hội đình Đầm Hà. Nghe các cụ, các bà hát những làn điệu, lời ca, cháu rất thích và quyết tâm theo học. Bố mẹ cháu cũng ủng hộ cháu”.
Với chất giọng khá đặc biệt, kéo dài phần cuối của người dân ven biển ở Đầm Hà kể cả với các bà, các bá, các cô hay những em học sinh nơi đây khiến điệu hát Nhà tơ càng thêm thấm đẫm. Để truyền lửa đam mê cho các bạn trẻ, Đoàn Thanh niên xã còn thường xuyên tổ chức cho các CLB này đến thăm Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự để nghe cụ kể về nguồn gốc hát Nhà tơ ở Đầm Hà, để được nghe chất giọng thấm đượm, mượt mà, lôi cuốn của cụ khi thể hiện các bài hát; từ đó bồi đắp tình yêu dành cho điệu hát truyền thống đặc trưng này.
Từ khi thành lập đến nay, các thành viên CLB hát Nhà tơ trong trường học ở xã Đầm Hà còn được tham gia biểu diễn cho một số chương trình của huyện, hay chương trình văn nghệ ở phố đi bộ của huyện; tham gia giao lưu giữa các CLB hát Nhà tơ trên địa bàn huyện. Đoàn Thanh niên xã cũng tích cực huy động các nguồn xã hội hóa, tìm kiếm nguồn kinh phí để hoạt động của các CLB đi vào nền nếp và phần nào đảm bảo chế độ cho các nghệ nhân trong quá trình truyền dạy nghệ thuật dân gian cho lớp trẻ.
Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Nhà tơ đã tồn tại hàng trăm năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân các làng xã ven biển, hải đảo của Quảng Ninh. Việc các đào nươngtích cực truyền dạy lại cho lớp trẻ nghệ thuật hát Nhà tơ, góp công không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy di sản hát cửa đình ở Đầm Hà nói riêng, ở Quảng Ninh nói chung; từ đó giúp cho hát Nhà tơ thể hiện được hết nét văn hóa độc đáo của người dân ven biển trên địa bàn; để mỗi độ Tết đến xuân về, người dân lại được sống trong không khí rộn ràng của những làn điệu, câu hát mượt mà ấy.
Theo