Hạ Long không chỉ nổi tiếng về giá trị địa chất – địa mạo, về cảnh quan thiên nhiên mà còn là tên gọi của một nền văn hoá biển đặc sắc.
Quảng Ninh là một trong những địa bàn cư trú liên tục của người Việt cổ. Từ khoảng 5.000 năm đến 3.500 năm cách ngày nay, chủ nhân Văn hóa Hạ Long đã tiến ra chiếm lĩnh và khai thác vùng đồng bằng ven biển và các đảo. Văn hoá Hạ Long với những đặc trưng rất độc đáo, có tầm cỡ lớn bậc nhất ở Việt Nam và có vị trí nằm trong giai đoạn bản lề từ tiền sử đến lịch sử, dấu ấn không chỉ thấy ở vùng ven biển Quảng Ninh mà còn có ở Hải Phòng và một số vùng ven biển phụ cận với ba nền văn hoá tiền sử nối tiếp nhau phát triển hơn vạn năm là Văn hoá Soi Nhụ, Văn hoá Cái Bèo và Văn hoá Hạ Long.
Những chứng tích khảo cổ, các di chỉ, hiện vật của văn hóa Cái Bèo do nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện năm 1938 cho thấy, để tồn tại trong môi trường biển đảo, cư dân văn hóa Cái Bèo đã sáng tạo ra tổ hợp công cụ đá (rìu, bôn) có đầu nhọn thích hợp cho việc khai thác hàu, hà và gia công đồ tre, gỗ, đóng thuyền mảng. Bên cạnh đó là các công cụ chì lưới, chày nghiền, bàn nghiền phục vụ hoạt động đánh bắt cá biển và gia công thực phẩm. Trong di tích Cái Bèo, đã thu được hàng tạ xương cá biển, có các loài cá nhám, cá mó xanh, cá đao. Văn hóa Cái Bèo là nguồn tạo dựng văn hóa Hạ Long sau này ở vùng biển Đông Bắc Việt Nam.
Văn hoá Hạ Long thuộc hậu kỳ đá mới đến sơ kỳ kim khí, có niên đại khoảng từ 6.000 đến 3.500 năm cách ngày nay, thể hiện thông qua hệ thống di tích đa dạng, hệ thống di vật phong phú… và những phát triển mới trong kỹ thuật chế tác công cụ đồ đá, đồ trang sức, đồ gốm. Tiêu biểu là các công cụ và trang sức chất liệu đá: Rìu, bôn có vai, có nấc được mài toàn thân, vòng tay; gốm xốp được trang trí hoa văn đắp thêm, hoa văn khắc vạch hình chữ S, hình sóng nước; công cụ mài rãnh hình chữ U.
Nét đặc sắc tạo nên dấu ấn văn hóa Hạ Long trên vùng đất Quảng Ninh chính là nền văn hóa biển độc đáo, thể hiện rõ từ cội nguồn gốc rễ của nó trong hệ thống văn hóa biển cùng thời ở Việt Nam, được định hình từ biển, khai thác biển, sống với biển để phục vụ cuộc sống. Chủ nhân Văn hóa Hạ Long biết kỹ nghệ đi lại trên biển, kỹ nghệ khai thác biển từ xa một cách thuần thục hơn so với các văn hóa biển cùng thời khác ở Việt Nam, như: Văn hóa Hoa Lộc Thanh Hóa, văn hóa Bàu Tró Quảng Bình, văn hóa Xóm Cồn Khánh Hòa…
Quy mô của văn hóa Hạ Long có nhiều di tích, các loại hình di tích phong phú, như: Di tích cư trú hang động, di tích cư trú ngoài trời, di tích mộ táng trên các vùng địa hình đa dạng. Tại Quảng Ninh hiện nay có 30 địa điểm thuộc Văn hóa Hạ Long đã được phát hiện. Văn hóa Hạ Long được phát triển qua hai giai đoạn: Giai đoạn sớm (5.000-4.000 năm cách ngày nay) và giai đoạn muộn (4.000-3.500 năm cách ngày nay).
Cư dân Hạ Long là cư dân văn hóa biển. Sự tồn tại và phát triển của cư dân biển bao giờ cũng rất năng động trong các mối giao lưu hội nhập và thích ứng văn hóa trong thời tiền sử. Không những thế, văn hóa Hạ Long còn in dấu ấn lên các nền văn hóa sơ kỳ thời đại kim khí ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng trung du đồng bằng châu thổ sông Hồng, cũng như đồng bằng ven biển sông Mã.
Ngược lại, các nền văn hóa này có tác động không nhỏ đến văn hóa Hạ Long mà dấu ấn văn hóa Phùng Nguyên ở di chỉ Bồ Chuyến (Đại Yên, TP Hạ Long), Đầu Rằm (Hoàng Tân, TX Quảng Yên) là những minh chứng. Có được những giao lưu trao đổi ngang dọc với các trung tâm văn hóa lớn lúc đó, cư dân văn hóa Hạ Long đã phát huy nội lực, đứng vững trên cơ tầng văn hóa biển của mình, phát huy thế mạnh của cư dân sông nước và tranh thủ thành tựu của cư dân đồng bằng, để cùng các cộng đồng cư dân khác đóng góp cho nền văn minh Việt cổ, tạo dựng quốc gia Văn Lang – Âu Lạc sau này.
Từ cuộc sống thích ứng với biển cả, ngư dân hình thành nhu cầu được bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình đối với biển cả, với quê hương cũng như những người thân yêu, dẫn tới sự ra đời của các sáng tác văn nghệ dân gian. Các sáng tác dân gian của cư dân ven biển khá đa dạng, từ các truyền thuyết, truyện cổ tích của cư dân ven biển, đến hò vè rồi nghệ thuật biểu diễn, như: Hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long (còn gọi là hát chèo đường), hát đúm, hò biển.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của di sản văn hóa biển đảo được lồng ghép làm cho lễ hội sinh động, như: Lễ hội cầu ngư Tân An, lễ hội Tiên Công ở TX Quảng Yên, lễ hội đền Bà Men, lễ hội đình Giang Võng – Trúc Võng trên Vịnh Hạ Long. Lễ hội ở vùng biển Hạ Long chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc, mang đậm hơi thở cuộc sống của người dân vùng biển Việt Nam nói chung.
Những tư liệu khảo cổ học tại Hạ Long là cơ sở cho việc nghiên cứu về địa môi trường, cổ khí hậu, sự thay đổi đường bờ do biển tiến, biển thoái cũng như các biến cố của thiên nhiên trên biển, tìm hiểu bức tranh ngôn ngữ tộc người trong quá khứ. Trong khi đó, kho tàng di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc có thể xây dựng thành sản phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ du lịch.
Theo