Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả các di sản, biến di sản trở thành tài sản. Trong đó, có việc phát triển du lịch cộng đồng tại những bản làng vùng cao từ nền tảng giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Là địa phương có 96% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Bình Liêu sở hữu một không gian văn hóa đa sắc màu với các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Nổi bật là di sản Then quý báu, lễ mừng cơm mới của dân tộc Tày, tục Kiêng gió, lễ cấp sắc của người Dao, nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ… Theo đó, giá trị các di sản đã và đang được địa phương gìn giữ, bảo tồn và không ngừng phát huy, vận dụng sáng tạo, hiệu quả phục vụ phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.
Không khó để bắt gặp mỗi dịp lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể này được người dân địa phương tái hiện, biểu diễn trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đến nay, với việc phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tại Bình Liêu, các di sản văn hóa này đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo phục vụ du khách. Những làn điệu then, soóng cọ đằm thắm, ngọt ngào, những mâm cơm với các món ăn truyền thống của đồng bào trong lễ mừng cơm mới đều được du khách yêu mến và hào hứng trải nghiệm.
Ông Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Bình Liêu, cho biết: Việc đưa các di sản văn hóa vào phát triển du lịch cộng đồng tại Bình Liêu không chỉ góp phần bảo tồn được văn hóa truyền thống, mang lại sức sống mới cho di sản mà còn đem lại sinh kế cho người dân. Đơn cử, việc hát then cũng tạo thêm sức hút cho khách du lịch khi lựa chọn các dịch vụ du lịch như lưu trú, ẩm thực, khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa. Do đó, thời gian qua, Bình Liêu luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, giáo dục, đào tạo, truyền dạy, thực hành di sản trong đời sống; xây dựng các gói sản phẩm du lịch bắt nguồn từ những giá trị di sản độc đáo, mang dấu ấn, màu sắc văn hóa của địa phương.
Theo số liệu điều tra của Tổ chức Du lịch thế giới, có đến 80% số khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các di sản, giá trị văn hóa độc đáo, tìm sự khác biệt với nền văn hóa của dân tộc họ. Họ bị hấp dẫn bởi các điểm đến có cảnh đẹp tự nhiên, nền văn hóa truyền thống và đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, vinh danh như những tài sản đẳng cấp của nhân loại. Vì vậy, việc khai thác các giá trị di sản để từ đó hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, tạo sức hút đối với thị trường khách du lịch nhằm phát triển kinh tế di sản đã được Quảng Ninh từng bước triển khai hiệu quả.
Quảng Ninh hiện có trên 630 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, 362 di sản văn hóa phi vật thể với hàng chục lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền. Nhiều lễ hội đã được tỉnh phục dựng thành công, bài bản, giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc, như lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu… Gắn với các lễ hội truyền thống là các trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống, trang phục, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực truyền thống được gìn giữ ở các làng xóm, thôn bản của đồng bào các dân tộc – những nơi được coi là “bảo tàng sống” để các du khách có những trải nghiệm thú vị về văn hóa dân gian của địa phương.
Xác định việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong cộng đồng dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều đề án, như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững, tập trung, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…
Đặc biệt, giai đoạn 2023-2025, tỉnh đã và đang thí điểm xây dựng bốn làng văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm: Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), làng người Dao Thanh Y, thôn Pò Hèn (TP Móng Cái), và làng người Sán Dìu, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Đây là những điểm đến không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa nguyên bản, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò chủ thể của người dân trong gìn giữ, bảo tồn văn hóa mà còn mang đến trải nghiệm độc đáo, chân thực cho du khách, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính cạnh tranh cao.
Theo