Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh và bền vững vào năm 2030. Để hiện thực hóa được các mục tiêu này, chuyển đổi số trong quản lý giáo dục trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tối ưu hóa công tác quản lý, và cải thiện dịch vụ dạy học trên toàn thành phố.
Hạ Long là “thủ phủ” của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, diện tích của thành phố tăng gấp 4 lần, mang lại cơ hội lớn cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng đặt ra thách thức cho ngành giáo dục trong việc đảm bảo đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ dạy và học.
Gia nhập mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO
Theo bà Vũ Thị Mai Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hạ Long, trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố được đặc biệt quan tâm.
Hàng năm, thành phố thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, điểm trường, nhóm, lớp học để đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại.
Thành phố thường xuyên tổ chức rà soát, quy hoạch và bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phù hợp với vị trí việc làm; Tập trung đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tăng cường môi trường học tập, sử dụng ngoại ngữ, tin học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, đặc biệt là học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế.
Ngoài ra, thành tố tổ chức tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, đổi mới phương pháp dạy học, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh.
Thành phố Hạ Long tiếp tục là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng và số lượng học sinh giỏi các cấp; chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng cao (dự kiến hết năm 2024 có 88/117 trường đạt chuẩn, đạt 75,2%). Thành phố đang tập trung rà soát, hoàn thiện các tiêu chí gia nhập mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2025.
Ứng dụng công nghệ số vào quản lý giáo dục
Tính đến tháng 10/2024, toàn thành phố Hạ Long hiện có 117 trường học từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, phục vụ hơn 97.497 học sinh trên 3.124 lớp học, với số học sinh công lập là 76.339 và ngoài công lập là 21.084. So với năm học trước, thành phố có thêm 1.274 học sinh và tăng thêm 68 lớp.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác dạy và học, các cơ quan quản lý của TP Hạ Long đã và đang triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục nhằm xây dựng một hệ sinh thái học tập thông minh, nơi học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và nhà trường có thể dễ dàng kết nối, tương tác với nhau.
Các sáng kiến như hệ thống quản lý thông tin điện tử, kho tài liệu học liệu số và các hình thức học tập trực tuyến đã được áp dụng để đáp ứng nhu cầu học tập hiện đại, đồng thời thúc đẩy học tập suốt đời và đảm bảo sự linh hoạt trong giáo dục.
Ngoài ra, thành phố đưa ra các kế hoạch phát triển các các công nghệ hiện đại vào giáo dục như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và Blockchain sẽ được ứng dụng rộng rãi từ giáo dục mầm non đến trung học, nhằm hiện đại hóa hệ thống giáo dục và xây dựng môi trường học tập toàn diện, kết nối; tạo điều kiện để cá nhân hóa việc học, quản lí thông tin học sinh, giáo viên một cách khoa học và chính xác.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, các giải pháp công nghệ số đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là tại các địa phương có tầm nhìn chuyển đổi số mạnh mẽ như Thành phố Hạ Long. Việc áp dụng các công nghệ hội tụ và mới nổi như Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và Blockchain trong quản lí giáo dục không chỉ góp phần tối ưu hóa quy trình quản lí, mà còn tạo điều kiện cá nhân hóa cho việc học tập và nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Các công nghệ này đã giúp tăng cường khả năng tương tác và sự kết nối giữa các bên tham gia trong hệ sinh thái giáo dục, bao gồm học sinh, giáo viên, nhà quản lí, cha mẹ học sinh và các bên liên quan.
Từ những lợi ích đã được chứng minh, có thể nhận định rằng, xây dựng và phát triển một hệ sinh thái giáo dục số tại Thành phố Hạ Long là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Đây không chỉ là một giải pháp tối ưu trong ngắn hạn, mà còn là bước chuẩn bị cho một nền giáo dục tương lai, hiện đại và bền vững. Hệ sinh thái này sẽ là nền tảng vững chắc giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.
Kết hợp với các mục tiêu và định hướng tương lai của nền giáo dục tại Thành phố Hạ Long không chỉ là hiện thực hóa các tiêu chuẩn quốc gia, tiệm cận khu vực và vươn tầm quốc tế, mà còn mở rộng cơ hội học tập suốt đời, giáo dục cho mọi người và phát triển giáo dục bền vững theo mục tiêu thiên niên kỉ của UNESCO, góp phần vào việc xây dựng thành phố Hạ Long trở thành đô thị thông minh và bền vững.
Theo: Báo Tiền Phong
Hạ Long áp dụng công nghệ để phát triển giáo dục
41