Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện
Các cấp, ngành, địa phương của Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông tới người dân. Qua đó, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Năm 2024, để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông tới người dân đạt được hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, truyền tải thông điệp về văn hóa giao thông, cũng như cung cấp thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn người dân tham gia giao thông được an toàn.
Ngay từ đầu năm, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh tổ chức phát động lễ ra quân “Năm ATGT 2024” và cao điểm bảo đảm trật tự ATGT.
Triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp, đa dạng, phong phú đến học sinh và mọi tầng lớp nhân dân; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTG ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Trong năm, Ban ATGT tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng điều khiển xe máy điện, xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 cho hơn 10.000 học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, hướng dẫn các em hiểu rõ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ tai nạn giao thông, từ đó giúp học sinh có ý thức tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT.
Tổ chức phối hợp với Mặt trận tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Cựu chiến binh, Hội Nông dân tuyên truyền pháp luật giao thông đến gần 1.300 hội viên; phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức 12 “Phiên tòa giả định”, tái hiện lại các vụ án có thật liên quan đến tai nạn giao thông, vi phạm luật giao thông để tuyên truyền đến 9.000 học sinh tại các trường THPT, THCS trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tờ rơi, áp phích, hình ảnh và lưu động về bảo đảm trật tự ATGT đến cán bộ chiến sĩ và nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông trong đảm bảo trật tự ATGT.
Tập trung đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi người dân, chú trọng đến các đối tượng là người điều khiển phương tiện giao thông nhất là học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân, người sinh sống ven các tuyến quốc lộ, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, thuyền trưởng, thuyền viên, người dân ở ven biển, hải đảo và ngư dân đang làm ăn, sinh sống trên tuyến đường thủy;
Kết hợp tuyên truyền kết quả thực hiện của lực lượng cảnh sát giao thông, vị trí, vai trò, gương “người tốt, việc tốt” trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Qua đó, đã nâng cao ý thức, trách nhiệm tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi người dân, vận động nhân dân đồng tình, ủng hộ giúp đỡ lực lượng công an trong thực hiện nhiệm vụ;
Chủ động phát hiện, cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông cho lực lượng cảnh sát giao thông, góp phần giữ gìn, đảm bảo trật tự ATGT, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, việc ra mắt trang zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Quảng Ninh” góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh vi phạm, trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 11/7 đến đầu tháng 11, trang zalo đăng tải nhiều quy định về công tác đảm bảo ATGT, tiếp nhận 1.659 tin nhắn gửi đến, trong đó 173 tin đủ căn cứ để xử lý vi phạm hành chính, đã ra quyết định xử phạt 40 trường hợp với tổng số tiền gần 137 triệu đồng.
Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT đã giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT, thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Đây là mục tiêu quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và tiến tới xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện, góp phần giảm thiểu về tai nạn giao thông.
Theo