Thứ Tư, Tháng 4 16, 2025
Home Chưa phân loại Dịch sởi trở lại: Đã có người lớn tử vong

Dịch sởi trở lại: Đã có người lớn tử vong

by Bút Chì
PGS. TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Việt Nam ghi nhận ca tử vong sởi người lớn đầu tiên trong năm nay. Bệnh nhân tử vong mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường.

 

 

Chiều 10/4, thông tin từ Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã ghi nhận ca tử vong sởi người lớn đầu tiên trong năm nay, tính đến thời điểm này.

Bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy ECMO. Sau 2 tuần điều trị, người bệnh đã không qua khỏi.

PGS. TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
PGS. TS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, hiện mỗi ngày, Viện tiếp nhận khoảng 10-20 bệnh nhân người lớn mắc bệnh sởi với các triệu chứng sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi.

Nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não – màng não. Phần lớn đều chưa được tiêm phòng hoặc trước có tiêm phòng sởi nhưng không tiêm nhắc lại.

Các trường hợp người lớn mắc sởi thường từ 30-50 tuổi và chủ quan không nghĩ là bản thân mắc sởi nên khi vào viện thì bệnh đã nặng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sởi.

Trước đó, Bộ Y tế dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, dự báo tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước. Đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi thấp.

Do đó, Bộ Y tế đã luôn nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi nhằm mục đích phòng tránh bệnh sởi và các biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng của bệnh.

Về việc phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo sởi là một bệnh truyền nhiễm và có thể phòng chống được bằng việc tiêm vaccine. Vaccine sởi có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 9 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi.

Đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm thì cũng cần được tiêm nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng có thể tiêm nhắc lại bằng vaccine sởi – quai bị – rubella (MMR).

Theo

Báo Công Thương

TIN TỨC QUẢNG NINH

Tintucquangninh.com là cổng thông tin điện tử hàng đầu, chuyên tổng hợp và cung cấp tin tức đầy đủ, đa chiều về tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu trở thành cầu nối thông tin đáng tin cậy, trang web không ngừng cập nhật những tin tức mới nhất, nhanh chóng và chính xác nhất, từ các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa đến đời sống xã hội.

@2024 – All Right Reserved. Ghi rõ nguồn khi trích dẫn thông tin từ Tintucquangninh.com