Thứ Ba, Tháng 4 15, 2025
Home Chưa phân loại Doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể chế tạo được đầu máy, toa xe

Doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể chế tạo được đầu máy, toa xe

by Bút Chì
Mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…

Một số doanh nghiệp cơ khí trong nước hoàn toàn có thể chế tạo đầu máy, toa xe hàng, toa xe khách… với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%.

 

 

Không để lỡ cơ hội

Dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan.

Mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…
Mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…

Công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bêtông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, một số doanh nghiệp cơ khí trong nước hoàn toàn có thể chế tạo đầu máy, toa xe hàng, toa xe khách… với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60%, nếu đơn hàng có quy mô phù hợp. Đây là con số đáng kể, cho thấy công nghiệp đường sắt không thiếu tiềm năng, mà thiếu một chiến lược bài bản, kiên trì và có điểm rơi chính sách rõ ràng.

Với hệ sinh thái cơ khí có hơn 3.100 doanh nghiệp, 1,2 triệu lao động, tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện, thiết bị và bảo trì trong lĩnh vực đường sắt – thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu như hiện nay.

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, đáng chú ý, nhiều sản phẩm cơ khí trong nước đã đáp ứng được từ 15 – 40% nhu cầu linh kiện ngành ô tô, một lĩnh vực đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao cho thấy khả năng mở rộng sang lĩnh vực đường sắt là hoàn toàn khả thi nếu có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Đây chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam xây dựng công nghiệp đường sắt đồng bộ, từ sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu điện khí hóa, cho đến bảo trì, sửa chữa.

Hành lang chính sách đã định hình

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nói chung và công nghiệp đường sắt nói riêng. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, ngành đường sắt được xác định là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư.

Bên cạnh đó còn có các Nghị quyết số 172, 187, 188 năm 2024–2025 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt trọng điểm, trong đó ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghiệp đường sắt sản xuất trong nước.

Dự thảo Luật Phát triển cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí đầu tư, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đầu tư mạnh mẽ vào nhiều tuyến đường sắt trọng điểm, bao gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội, Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái, cùng các tuyến đô thị tại Hà Nội, TP.HCM…

Đây chính là thời cơ vàng để Việt Nam không chỉ nhập khẩu công nghệ mà còn tiến tới làm chủ, sản xuất, phát triển ngành công nghiệp đường sắt quốc gia, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 – 2045 có thể tự chế tạo đầu máy, toa xe và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đường sắt đồng bộ, hiện đại.

Để công nghiệp đường sắt thực sự chuyển động, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đặt hàng công nghiệp nội địa trong các dự án đường sắt sử dụng vốn Nhà nước, bên cạnh đó,thiết lập tiêu chuẩn ngành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển sản phẩm đạt chuẩn

Hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp đường sắt trong tháng 6/2025

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 157 ngày 5/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Thủ tướng Chính phủ cho biết mục tiêu đến năm 2030-2045, Việt Nam phải phát triển được công nghiệp đường sắt: Làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt.

Đây là phương thức vận tải có nhiều ưu điểm, hài hòa giữa các phương thức vận tải (hàng không, đường thủy, hàng hải và đường bộ), vận tải khối lượng lớn, nhanh, chi phí rẻ, an toàn, bảo vệ môi trường có khả năng kết nối rộng và xuyên quốc gia… Vì vậy, việc phát triển hệ thống đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn và đường sắt liên vận quốc tế.

Với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và các tuyến Lạng Sơn – Hà Nội, Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái…

Về phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6/2025.

Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, Cục đang tích cực tham mưu chính sách nhằm phát huy tối đa nội lực ngành cơ khí, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt. Mục tiêu là phát triển công nghiệp chế tạo có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đề án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, theo tính toán, riêng phương tiện, thiết bị của dự án đã lên tới 34,1 tỷ USD. Nếu được chuyển giao công nghệ, đây sẽ là thị trường rất lớn và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất đầu máy khi nhiều năm qua họ chưa có cơ hội để thể hiện mình. Và cũng là cơ hội để lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế.

Theo

Báo Công Thương

TIN TỨC QUẢNG NINH

Tintucquangninh.com là cổng thông tin điện tử hàng đầu, chuyên tổng hợp và cung cấp tin tức đầy đủ, đa chiều về tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu trở thành cầu nối thông tin đáng tin cậy, trang web không ngừng cập nhật những tin tức mới nhất, nhanh chóng và chính xác nhất, từ các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa đến đời sống xã hội.

@2024 – All Right Reserved. Ghi rõ nguồn khi trích dẫn thông tin từ Tintucquangninh.com