Nhiều quảng cáo, giới thiệu sản phẩm Fucoidan Nano có thể chữa được ung thư, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, không khác gì vụ kẹo rau củ Kera.
Thổi phồng như thần dược trị ung thư
“Ngăn di căn”, “điều trị ung thư”, “giảm tác dụng hóa xạ trị”… – đó là những dòng quảng cáo dày đặc trên website fucoidannano.com về sản phẩm Fucoidan Nano. Trên giao diện tựa như một tạp chí y học điện tử, sản phẩm được tô vẽ như một “thần dược” có thể cứu rỗi sinh mạng người bệnh từ tay tử thần. Nhưng ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ đầy hy vọng ấy có thể là một chiến dịch kinh doanh trá hình, nhắm vào nhóm yếu thế nhất trong xã hội: Bệnh nhân ung thư và người thân của họ.
![]() |
Trên website fucoidannano.com xuất hiện những quảng cáo khiến nhiều người lầm tưởng sản phẩm Fucoidan Nano như một thần dược trị ung thư. (Ảnh chụp màn hình) |
Không dừng lại ở ngôn ngữ, trang website này còn sử dụng hình ảnh và phát ngôn của một loạt bác sĩ, giáo sư để gia cố “niềm tin chuyên môn”, vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo thực phẩm bổ sung. Cụ thể, website này sử dụng hình ảnh của một bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Nhật Tiến, Nguyên Viện Trưởng Khoa Ngoại BV Ung Bướu Hà Nội; một giáo sư ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia:Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện Phó Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia; bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Bác sĩ TRẦN QUANG ĐẠT, Bác sĩ CKII BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI…
Chiêu thức này đã được các nhà nghiên cứu gọi tên là “hội chứng blouse trắng” – chỉ cần bác sĩ xuất hiện, dù không nói gì, người tiêu dùng cũng sẽ tin tưởng hơn. Và trong thị trường thực phẩm chức năng, một số cá nhân đã tận dụng niềm tin ấy để lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính.
Hành vi sử dụng hình ảnh, phát ngôn của bác sĩ, chuyên gia y tế để quảng cáo sản phẩm Nutri Nano Fucoidan – một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe – là vi phạm rõ ràng khoản 3, Điều 27 Luật Quảng cáo năm 2012.
Cụ thể, theo Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012, việc quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi nghiêm cấm. Khoản 5 của điều luật này ghi rõ: “Cấm quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh”. Tuy nhiên, sự mập mờ này lại được cố tình đẩy mạnh bằng các thủ thuật tiếp thị tinh vi.
Không dừng ở quảng cáo, website còn thu thập thông tin cá nhân người dùng qua biểu mẫu “Tư vấn miễn phí” gồm: Họ tên, số điện thoại, email, thậm chí cả tình trạng bệnh lý.
Điều đáng lo ngại là website không hề có chính sách bảo mật, không có nội dung chấp thuận người dùng như yêu cầu của Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dữ liệu nhạy cảm của người bệnh – những người đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng – bị thu thập, xử lý và gửi tới bên thứ ba, hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của chính chủ.
Từ những dòng quảng cáo sai sự thật, hình ảnh bác sĩ, đến thu thập dữ liệu trái phép – tất cả đã tạo nên một hệ sinh thái bán hàng nguy hiểm với mục đích lừa đảo, kiếm tiền trên nỗi đau của bệnh nhân ung thư.
“Bóng ma” kẹo rau củ Kera
Trên website fucoidannano.com, giới thiệu Fucoidan Nano là sản phẩm ứng dụng Fucoidan Nano chất lượng cao – một thành tựu đột phá mới trong nghiên cứu và chiết xuất Fucoidan của nền y khoa Nhật Bản. Fucoidan Nano được nhập khẩu trực tiếp 100% từ Kanehide Bio Co., Ltd – công ty nổi tiếng về sản xuất Fucoidan và phân phối nguồn dược liệu thiên nhiên hàng đầu tại Nhật Bản. Sản phẩm chất lượng, hiệu quả trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư.
Cùng với đó, website đăng tải hình ảnh mẫu hộp sản phẩm Fucoidan Nano. Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ mặt trước của vỏ hộp in bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, không có bất kỳ dòng chữ tiếng Việt nào ngoài cụm nhỏ “Thực phẩm bổ sung”. Phần còn lại là các từ ngữ như “Nano Fucoidan”, “Premium”, “Japan”, “Natural Ingredients”… kết hợp với hình ảnh con dấu vàng, biểu tượng giống chứng nhận y tế – tạo cảm giác như đang cầm trên tay một loại thuốc điều trị ung thư nhập khẩu chính ngạch từ Nhật Bản.
Thế nhưng, những văn bản pháp lý quan trọng của sản phẩm như: Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo… hoàn toàn không được đăng tải trên website này.
Phần thông tin liên hệ trên website thể hiện: Công ty TNHH Dược phẩm Hà Ngọc Châu (địa chỉ: khu C, Khu đô thị Geleximco, đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Tra cứu trên hệ thống thông tin tên miền của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy tên miền fucoidannano.com cũng được đăng ký bởi Công ty TNHH Dược phẩm Hà Ngọc Châu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, một số sản phẩm gắn mác Fucoidan từng bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo vì quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh. Cụ thể, sản phẩm NUTRI FUCOIDAN do Công ty Cổ Phần THT Pharma (địa chỉ số 9/3/143/202 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng bị phát hiện vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Từ trên có thể thấy, hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm chức năng Fucoidan Nano của một số đối tượng không chỉ vi phạm quy định về quảng cáo, mà còn có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, khi đưa ra nhiều thông tin sai sự thật, phóng đại công dụng của thực phẩm vốn chỉ dùng để hỗ trợ điều trị, như một loại “tiên dược” có thể ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Hoạt động quảng cáo sai sự thật này được nhiều người đánh giá không khác gì vụ kẹo rau củ Kera vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 đối tượng, trong đó có 2 người nổi tiếng trên mạng xã hội là Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục.
Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, để ngăn chặn hành vi trục lợi trên sức khỏe và niềm tin của người bệnh.
Tra cứu trên hệ thống thông tin tên miền của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy tên miền fucoidannano.com cũng được đăng ký bởi Công ty TNHH Dược phẩm Hà Ngọc Châu. |
Theo