Xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, Quảng Ninh có 13 dân tộc cùng chung sống, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sản xuất giúp đời sống người dân được cải thiện.
Tràng Lương thay áo mới
Xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, với hơn 3000 nhân khẩu, gồm 13 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có gần 62% đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng hòa văn hóa các dân tộc của người Kinh, Tày, Sán Dìu, Dao, Khơ me, Thái, Nùng, Hơ mông, Xinh Mun, Sán Chỉ, Mường, Cao Lan và người Hoa tạo nên nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đa sắc màu, mang đậm nét đặc trưng riêng của mảnh đất và con người nơi đây.
![]() |
Xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh bê tông hóa giao thông nội đồng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu |
Thời gian qua, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiêu biểu như thành phố đã ưu tiên bố trí, lồng ghép các nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ cho xã Tràng Lương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Bà Lài Thị Mến – Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh – cho biết: “Hiện nay xã Tràng Lương hoàn thành 100% tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xã không còn hộ nghèo; có 9 hộ cận nghèo, trong đó 4 hộ dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống cấp nước sạch từ nhà máy Miếu Hương đã giúp 100% hộ dân tiếp cận nguồn nước bảo đảm vệ sinh, chấm dứt tình trạng phải sử dụng nước khe suối không an toàn như trước đây”.
![]() |
Bà Tạ Thị Nguyệt, dân tộc Sán Dìu, ở thôn Năm Giai, xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh phấn khởi vì sự đổi mới, khởi sắc của địa phương |
Tràng Lương hôm nay có hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng và nâng cấp giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Việc kết nối các tuyến đường liên thôn, liên xã với các khu vực trung tâm đã góp phần đẩy mạnh thương mại và phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ ngã 3 thôn Năm Giai đi ngã 3 Trung Lương, xã Tràng Lương; Trường mầm non Tràng Lương, hạng mục xây 4 phòng học, 2 phòng bộ môn; Trụ sở làm việc công an xã Tràng Lương; sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các tuyến mương tiêu thoát nước khu dân cư thôn Trung Lương…
Vừa thu hoạch hành, bắp cải trên cánh đồng nông thôn kiểu mẫu, bà Tạ Thị Nguyệt, dân tộc Sán Dìu, ở thôn Năm Giai, xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh – bày tỏ: “Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, cùng các cấp chính quyền, người dân chúng tôi rất phấn khởi, hạnh phúc được dùng nước sạch; bê tông hóa đường giao thông nội đồng nên việc đi lại, làm việc nhà nông của bà con thuận lợi hơn. Đặc biệt trên các trục đường liên thôn, liên xã đạt 100% bê tông hóa mặt đường; hai bên đường được trồng cây bóng mát, hoa cây cảnh và được lắp điện chiếu sáng những đoạn đi qua khu dân cư“.
Sinh kế ổn định thoát nghèo bền vững
Cùng với việc phát triển hạ tầng, TP. Đông Triều cũng chú trọng đến tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, áp dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Thành phố đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Đến nay, người dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là đối với khâu làm đất với tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 90%; khâu thu hoạch đạt trên 85% (vùng sản xuất tập trung là 100%).
![]() |
Đại diện lãnh đạo xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trao con giống tạo sinh kế hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương |
Đặc biệt, ứng dụng một số mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại xã Tràng Lương như: Triển khai dự án ổi Lê tại thôn Trung Lương; mô hình nuôi Bò BBB của hộ ông Diệp Văn Đại và ông Diệp Văn Khoa thôn Trại Thụ, tổng số đàn bò là 67 con; mô hình nuôi trâu bán chăn thả của nhóm hộ ông Vi Văn Hải, thôn Trung Lương tổng số đàn trâu là 72 con; mô hình chăn nuôi lợn tập trung, theo hướng an toàn sinh học.
![]() |
Đại diện lãnh đạo xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh tặng ti vi phát triển văn hóa tinh thần bà con đồng bào dân tộc thiểu số |
Ông Diệp Văn Đại, thôn Trại Thụ, xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi khép kín, chủ động nguồn thức ăn bằng cách trồng cỏ, mô hình nuôi bò của gia đình mang lại giá trị sản xuất lên đến 1 tỷ đồng mỗi năm, với lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/năm“.
Đây là mô hình tiêu biểu giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, TP. Đông Triều cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả khác như trồng ổi lê, na bở, sản xuất lúa chất lượng cao ĐT 100, chăn nuôi trâu thịt… Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị giúp bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân.
![]() |
Một góc xã Tràng Lương, TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh |
“Trong những năm qua, thông qua chính sách giao đất, giao rừng đã giải quyết được nhu cầu đất sản xuất cho người dân của xã Tràng Lương nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, không có tình trạng không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình OCOP gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng các chuỗi liên kết, chú trọng công tác phát triển đặc sản bản địa có giá trị, như thịt gia súc, gia cầm, thịt khâu nhục, lạc đỏ… Phát triển lâm nghiệp chuyển dần sang trồng cây bạch đàn, keo có chất lượng, năng suất cao, trồng cây gỗ lớn“, bà Lài Thị Mến – Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Lương, TP. Đông Triều cho biết thêm.
Thời gian tới, xã Tràng Lương chú trọng thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Chăm lo đời sống văn hóa cơ sở, đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, tiếp tục duy trì hoạt động của CLB “Hát then đàn tính”, “Hát soọng cô”; nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Theo