Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường và sẽ được nhân rộng sau 1 năm triển khai thực hiện thí điểm.
Thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 9/4 tại TP. Cần Thơ.
Sẽ nhân rộng ra 12 tỉnh/thành
Sau 1 năm triển khai Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) tại 5 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ với 7 mô hình thí điểm kết quả bước đầu mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
![]() |
Nhân rộng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao |
Cụ thể, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2,0-12,0 tấn CO2 tương đương/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.
Từ những kết quả đạt được nói trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã thống nhất chủ trương là tiếp tục nhân rộng mô hình tại 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, đối với 5 tỉnh, thành đã triển khai mô hình thí điểm của cấp trung ương sẽ mở rộng lên 53 mô hình, với diện tích khoảng 3.653 ha.
Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh có số lượng mô hình mở rộng nhiều nhất (16 mô hình với diện tích hơn 2.000 ha), tiếp đó là Trà Vinh (14 mô hình với diện tích là 728 ha), thấp nhất là TP. Cần Thơ (6 mô hình với diện tích 170ha).
Các tỉnh chưa có mô hình thí điểm cấp trung ương cũng đã chủ động, tích cực triển khai các mô hình của đề án. Trong vụ Đông Xuân 2024-2025, 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang và Bạc Liêu đã triển khai 48 mô hình với tổng diện tích trên 865 ha. Đến nay, chỉ còn tỉnh Cà Mau và tỉnh Vĩnh Long chưa triển khai mô hình của Đề án.
Khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường – cho biết, sau 1 một năm triển khai, đề án đã từng bước khẳng định tính đúng đắn, cần thiết và bước đầu mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực sự hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ, bố trí kinh phí theo thẩm quyền, ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng.
Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí đủ nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân tiếp cận vay vốn triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ. Theo đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cần hoàn thiện và triển khai các quy chế về liên kết chuỗi sản xuất, hỗ trợ hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án.
Vụ Hợp tác quốc tế, phải phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tham mưu, trình thành lập tổ đàm phán thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA); tổ chức làm việc với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để hiểu thông suốt các quy định pháp lý cho việc đàm phán thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA); phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai nghiên cứu tiền khả thi cho dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các vùng tham gia Đề án.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy giao Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, đăng ký diện tích, xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 2025-2030. Khẩn trương hoàn thiện quy trình đo đếm, báo cáo và kiểm định kết quả phát thải (MRV), quy trình canh tác bền vững trong phạm vi Đề án, báo cáo Bộ xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện. |
Theo