“Điều đầu tiên, Quảng Ninh, Hạ Long phải làm là hiểu được thời và thế. Tại sao Hạ Long không thể đi đầu và trở thành đô thị toàn cầu, đẳng cấp cao nhất, thử nghiệm các hình mẫu phát triển, đi liền với khẩu hiệu tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm?”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nói.
Sáng 26/12, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh diễn ra Hội thảo khoa học “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản TP. Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo do TP. Hạ Long phối hợp cùng với Viện Kinh tế, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
Hạ Long đối mặt với hàng loạt thách thức lớn
Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua, Hạ Long đã ghi dấu ấn với nhiều bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế – xã hội. Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức phục hồi sau đại dịch COVID-19 và siêu bão Yagi, thành phố vẫn đạt được những thành tựu quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò là hạt nhân trong không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Đặc biệt, Hạ Long là địa phương tiên phong, dẫn dắt thực hiện mô hình chuyển đổi từ “nâu sang xanh”, góp phần định vị thương hiệu du lịch quảng Ninh và thương hiệu quốc gia.
Theo ông Vũ Quyết Tiến – Bí thư Thành ủy Hạ Long, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh khu vực, Hạ Long đối mặt với hàng loạt thách thức lớn như: Biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; nguồn thu ngân sách giảm, nhất là các nguồn thu từ đất, gây khó khăn cho việc đầu tư phát triển; mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ di sản, đặc biệt là cân bằng giữa công nghiệp hóa và bảo tồn giá trị vịnh Hạ Long; tốc độ đô thị hóa nhanh, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt và phá vỡ cảnh quan tự nhiên…Những thách thức này đòi hỏi Hạ Long phải có những chiến lược đột phá để tận dụng lợi thế và chuyển đổi những khó khăn thành cơ hội.
“Sự phát triển của TP. Hạ Long trong hiện tại và tương lai, đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì thành phố sẽ tiếp tục bứt phá phát triển rất nhanh, bền vững”, Bí thư Thành ủy Hạ Long chia sẻ.
Những gợi mở để Hạ Long phát triển
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích tiềm năng, lợi thế của Hạ Long trong phát triển ba lĩnh vực này, đồng thời chỉ ra các rào cản, điểm nghẽn cần tháo gỡ, trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và khai thác kinh tế di sản so với khu vực và thế giới; những mô hình đô thị xanh, thông minh và di sản nào trên thế giới mà Hạ Long có thể học tập.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – trong bài tham vấn mở đầu hội thảo khẳng định “Hạ Long – vùng đất thiêng, được “trời cho – rồng chọn” khi thành phố này hội tụ đầy đủ yếu tố về mặt địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch để làm cơ sở vững chắc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế di sản.
“Điều đầu tiên, Quảng Ninh, Hạ Long phải làm là hiểu được thời và thế. Tại sao Hạ Long không thể đi đầu và trở thành đô thị toàn cầu, đẳng cấp cao nhất, thử nghiệm các hình mẫu phát triển, đi liền với khẩu hiệu tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm?”, ông Trần Đình Thiên nói.
Thành phố cần coi vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên, là báu vật của loài người, từ đó, xác định đây là tọa độ phát triển ưu tiên tầm quốc gia, đẳng cấp quốc tế. Hạ Long gánh sứ mệnh “nâng tầm Việt Nam” và cung cấp cho thế giới sự tận hưởng cao cấp, tương xứng với giá trị quốc tế của nó.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 4 trục ưu tiên và 4 định hướng chiến lực. Trong đó các trục ưu tiên là phát triển xanh; đô thị hiện đại – thông minh; du lịch khác biệt – đẳng cấp; mở cửa, hội nhập – cạnh tranh quốc tế tầm cao. Tuy nhiên, để thực hiện được các chiến lực trên, ông Thiên thẳng thắn chỉ ra “vạn sự khởi đầu nan”, Hạ Long còn nhiều việc phải làm để vươn mình đúng nghĩa và sẽ không có việc nào là dễ dàng, thậm chí, sẽ càng ngày càng khó khăn hơn.
GS,TS. Nguyễn Văn Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia – khẳng định, trong tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của TP. Hạ Long, thành phố nên đặt sự nghiệp phát triển văn hóa, phát huy tiềm năng của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trong quan hệ mang tính hệ thống của hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Các diễn giả tham gia đóng góp cho Hạ Long xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản. Ảnh: Quốc Nam. |
Quảng Ninh và Hạ Long cần lấy con người là trung tâm của tất cả các mục tiêu phát triển, văn hóa làm điểm tựa khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước và khát vọng vươn lên của người Quảng Ninh; kiên trì với định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế di sản, gia tăng hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế độ phát thải, bảo vệ môi trường.
“Quan điểm kiên trì với định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế di sản… gia tăng hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao; sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế độ phát thải, bảo vệ môi trường, chính là những bước đi căn bản, có tầm nhìn xa để chuẩn bị góp phần xây dựng nền Văn minh sinh thái, mà nhân loại đang hướng tới và thực tế đã là mục tiêu, chiến lược phát triển của nhiều quốc gia khu vực, thế giới”, GS, TS. Nguyễn Văn Kim chia sẻ.
Theo