Tự chế dây chuyền sản xuất, xây dựng vùng dược liệu, lương y Nguyễn Văn Mạnh đã đưa bài thuốc gia truyền thành sản phẩm đạt chất lượng OCOP.
Sinh ra trong dòng họ có truyền thống làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người, ngay từ nhỏ ông Nguyễn Văn Mạnh, 45 tuổi, ở phường Phương Nam, TP Uông Bí luôn mơ ước có vườn thảo dược rộng lớn.
Học hết cấp 3, ông thi vào trường Trung cấp Y học Tuệ Tĩnh ở Hà Nội rồi về quê nối tiếp truyền thống gia đình. Do mới lập nghiệp, kinh tế chưa vững, ông phụ gia đình nghề y và đầu tư làm đầm nuôi thủy sản. “Công việc này cho thu nhập tốt, giúp tôi tích lũy được nguồn vốn để phát triển nghề y”, ông Mạnh nói.
Năm 2012, ông Mạnh dừng khai thác thủy sản để chuyên tâm nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thảo dược từ bài thuốc gia truyền như cao Thiên Đông, cao Lạc Tiên, Long Thiên Huyết, trầu tiên Yên Tử.
Khi chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh được triển khai mạnh mẽ, năm 2014 ông Mạnh quyết định thành lập Công ty TNHH Nam dược Y Võ để tham gia vào chuỗi sản phẩm này. “Hồi đó, cao Thiên Đông, cao Lạc Tiên dù tốt, được một bộ phận người dân tin dùng nhưng chỉ được đóng trong chai thủy tinh, nút bằng lá chuối khô. Quy trình sản xuất rất cũ, chủ yếu nấu bằng bếp củi, sản lượng thấp”, ông kể.
Nhiều đêm suy nghĩ, đi học hỏi khắp nơi, ông mày mò thiết kế dây chuyền nấu cao, chưng cất dược liệu. Mất ba năm, với nhiều tỷ đồng tiền vốn và được sự hỗ trợ của một số kỹ sư cơ khí, ông Mạnh thiết lập được dây chuyền sản xuất thảo dược của riêng mình, cho sản lượng tăng gấp 6 lần so với trước.
Khi đã ổn định được dây chuyền sản xuất, ông Mạnh bắt tay vào xây dựng vùng dược liệu. Do ngày bé được bố dẫn lên núi Yên Tử hái lá thuốc nên ông Mạnh biết khí hậu, thổ nhưỡng ở đây giúp các loại thảo dược như thiên môn đông, mạch môn, bách bộ, xạ đen, cà gai leo, diệp hạ châu, dây lạc tiên phát triển tốt.
Ông Mạnh liên hệ với chính quyền địa phương, người dân đề xuất phương án trồng dược liệu thay thế cây nông nghiệp kém hiệu quả khác. Thấy được đam mê của lương y Mạnh cũng như tiềm năng của dược liệu, đến nay tại Yên Tử và các vùng lân cận đã có 50 hộ dân tham gia trồng trên diện tích gần 10 ha.
Bản thân ông Mạnh đã chủ động đi học kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc dược liệu, mua 100.000 giống cây dược liệu dễ trồng, ít sâu bọ, có giá trị cao để hỗ trợ người dân. “Sản phẩm cuối vụ tôi sẽ thu mua hết. Quy trình sản xuất mình kiểm soát được nên chất lượng rất đảm bảo”, ông nói.
Mỗi năm, ông Mạnh thu mua và tiêu thụ cho người dân từ 25 đến 42 tấn dược liệu. Sau 5 năm, người tham gia trồng dược liệu đã thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt với lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 135 đến 210 triệu đồng/ha/năm.
Nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định giúp ông Mạnh yên tâm nghiên cứu thêm các sản phẩm khác cho công ty. Đến nay, ông đã có 6 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng OCOP và 5 sản phẩm là hàng tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó có hai sáng kiến tiêu biểu cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất là cao Thiên Đông, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh ho khan, ho có đờm, ho suyễn, viêm amidan và cao Lạc Tiên an thần. “Hai sản phẩm này được đặc biệt ưu chuộng trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát”, ông Mạnh tự hào khoe.
Lãnh đạo Hội Nông dân TP Uông Bí đánh giá ông Mạnh là hội viên tiêu biểu, nhiệt tình tham gia hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 8/2024, ông Mạnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.
Lê Tân
Nguồn: Vnexpress