Ngành GD&ĐT TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, với mục tiêu đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục.
Trường THCS Nguyễn Trãi là một trong những ngôi trường tích cực thực hiện chuyển đổi số của TP Uông Bí. Thời gian qua nhà trường đã đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số trong dạy và học, khuyến khích thầy cô giáo nghiên cứu, học hỏi, soạn bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, sáng tạo vào bài giảng, giúp tăng tính tương tác, sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học.
Hiện nhà trường có 1 phòng học với phòng 25 máy tính có kết nối Internet thực hành cho môn Tin học; 6 phòng học thông minh, mỗi phòng có tivi thông minh màn hình cảm ứng, hệ thống camera, loa, máy tính xách tay; 13 phòng học còn lại có máy chiếu, hệ thống máy tính, loa, màn hình tivi, kết nối mạng Internet. Các thầy, cô giáo đều có máy tính xách tay phục vụ cho việc giảng dạy.
Đặng Thái Hân, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, chia sẻ: Trước đây, với những bài giảng thông thường chúng em phải cố gắng hình dung, mường tượng trong đầu những sự kiện, nhân vật mà thầy cô thuyết giảng.
Hiện nay việc sử dụng phòng học thông minh giúp cho chúng em có được cái nhìn trực quan sinh động với những sự kiện, nhân vật cụ thể, từ đó kích thích tư duy học tập tốt hơn.
Với nỗ lực trong chuyển đổi số, cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, trong năm học 2023-2024, Trường THCS Nguyễn Trãi có 56 học sinh đoạt giải cấp thành phố, 21 học sinh đoạt giải cấp tỉnh.
Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn TP Uông Bí đã triển khai sử dụng chữ ký số tới cán bộ quản lý và giáo viên. Các trường học đã sử dụng phần mềm quản lý học tập như Olm.vn, Azota, Padlet, Classroom… trong kết nối giữa nhà trường, giáo viên với học sinh, phụ huynh và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, có hơn 3.000 học liệu được số hóa, bao gồm bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác cùng với hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học giúp giáo viên và học sinh dễ dàng nghiên cứu tài liệu.
Bên cạnh đó, 100% trường học trên địa bàn đã triển khai nền tảng quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số như quản lý học sinh, bao gồm: Quản lý hồ sơ, kết quả học tập; quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo kết nối thông suốt trong hệ thống quản lý trường học trực tuyến của tỉnh và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.
Từ năm học 2023-2024, toàn bộ cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện thanh toán học phí và các khoản dịch vụ khác bằng phương thức không dùng tiền mặt; tổ chức đăng ký tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 trên môi trường số.
Theo Ngọc Trâm(Báo Quảng Ninh)
Theo: Báo Vietnamnet