Dân tộc Sán Chay ở Quảng Ninh gồm 2 nhóm Cao Lan và Sán Chỉ, sống tập trung ở các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và một số ít ở Đầm Hà. Trong những năm qua, đồng bào Sán Chay luôn đoàn kết, đẩy mạnh lao động sản xuất, tích cực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: Tiếng nói, chữ Nôm, hát soóng cọ, trang phục dân tộc, phong tục cưới hỏi, ma chay… trong đó có múa tắc xình (còn gọi là múa cầu mùa).
Xưa kia, trong các lễ hội của người Sán Chay không thể thiếu được múa tắc xình. Đây là điệu múa bắt nguồn từ sự cách điệu những động tác trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày như: Xúc tép, bắt cá, tra hạt, phát nương… Với các đạo cụ dân dã (khèn ống tre, vầu, nứa, trống tang sành (trống đất), trống lớn, trống con, chuông nhỏ, chiêng, chập cheng, thanh la, kèn tổ sâu, nhị, sáo), người nông dân xưa đã tạo nên âm nhạc cho múa với giai điệu rất vui nhộn dễ học, ai cũng có thể tham gia chứ không riêng gì các thầy cúng…
Múa tắc xình gồm có 9 điệu cơ bản: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim gâu. Mỗi động tác đều phản ánh những công việc quen thuộc trong đời sống nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày của người Sán Chay. Bên cạnh việc thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc, vũ điệu tắc xình còn thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động. Do đó, đây là một điệu múa dân gian đặc sắc, phản ánh sự hòa quyện giữa thiên nhiên, con người và thế giới tâm linh. Đến nay, các động tác trong điệu múa vẫn giữ được tính thống nhất, ít bị biến tướng, điều này thể hiện sự bền vững trong việc gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa của cộng đồng.
Âm nhạc trong múa tắc xình có tiết tấu đơn giản, nguyên sơ, không bị pha tạp bởi những yếu tố hiện đại. Nó đơn giản đến mức điệu múa này được hiểu là tắc thì đưa chân lên, xình thì đặt chân xuống. Những âm thanh phát ra từ các nhạc cụ truyền thống như trống, kèn và các ống nứa được chế tác thủ công không chỉ giữ nhịp cho các điệu múa mà còn tạo ra không gian âm nhạc vui tươi, gắn kết cộng đồng, làm cho tình nghĩa bản làng thêm bền chặt.
Hình tượng múa ở đây thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực ở chỗ ngọn tre và dụng cụ gõ được biểu trưng như cầu nối truyền khí dương từ 4 tầng mây (trời), hòa quyện với khí âm (đất). Âm dương giao hòa tạo ra sự sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.
Trong những dịp lễ hội, đặc biệt là mùa thu hoạch, điệu múa tắc xình được biểu diễn như một nghi thức tôn vinh các vị thần nông nghiệp, biết ơn với thiên nhiên, đất đai đã ban tặng mùa màng bội thu. Nó như một lời nhắc nhở mọi người cùng nhau lao động, đoàn kết gìn giữ bản làng. Người tham gia múa thường mặc trang phục truyền thống, thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của mình qua từng bước nhảy, kết hợp với các nghi lễ và bài hát dân tộc, tạo nên một không khí có màu sắc thiêng liêng.
Đối với người Sán Chay, điệu múa này không chỉ là một hoạt động vui chơi giải trí mà còn là một nghi lễ thể hiện lòng biết ơn là cầu nối tâm linh, giữ vững những giá trị cốt lõi của cộng đồng. Do vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản múa tắc xình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau mà còn khơi dậy lòng tự hào về bản sắc riêng dân tộc.
Theo