Được xem là “thủ phủ” của người Sán Dìu, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Trong kho tàng di sản phong phú ấy, hát soọng cô nổi lên như một viên ngọc quý, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của cộng đồng.
Xã Bình Dân có khoảng 1.500 nhân khẩu, hơn 90% dân số là người Sán Dìu. Cộng đồng người Sán Dìu sống tập trung tại các làng bản, thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc. Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu Việt Nam, nhận định: Soọng cô là biểu hiện rõ nét của bản sắc văn hóa Sán Dìu, gắn liền với đời sống tinh thần cộng đồng. Môi trường sống đặc trưng giúp việc gìn giữ nghệ thuật hát soọng cô trở nên dễ dàng và bền vững.

Theo ghi chép, soọng cô là thơ ca dân gian truyền khẩu, dễ học từ già đến trẻ, được ghi lại bằng chữ Nôm Sán Dìu, do các thầy cúng thực hiện. Mang tính cộng đồng cao, soọng cô thể hiện qua hình thức đối đáp giữa các cặp chủ – khách, nam – nữ, hay giữa các làng với nhau. Đặc biệt, trong đám cưới, những làn điệu soọng cô vang lên từ cổng, sân, bếp đến phòng cưới, kéo dài suốt cả ngày lễ, tạo không khí lễ hội đậm đà bản sắc.
Theo truyền thống, vào dịp nông nhàn (tháng 11, tháng Chạp hoặc mùa xuân sau Tết), người Sán Dìu ở Bình Dân tổ chức hát soọng cô. Các đoàn trai, gái từ các làng xa thường tập hợp lại để hát, tạo không khí vui tươi. Trưởng đoàn (tam cô thòng), người dẫn dắt cuộc hát, phải là người thuộc nhiều bài hát, ứng khẩu linh hoạt. Khi đối phương cất lời, trưởng đoàn sẽ nhận biết và đáp lại ngay.
Các cuộc hát bắt đầu bằng những bài hát tự do, thách đối phương tìm lời đáp lại, giống như hát quan họ Bắc Ninh hay hát xoan ghẹo Phú Thọ. Cuộc hát gồm các bước: Làm quen, chào hỏi, mời uống nước, ăn trầu, tâm tình rồi kết thúc bằng việc chia tay. Nội dung bài hát phong phú, ca từ ý nhị. Một điều thú vị là trai gái trong một làng sẽ không hát cùng nhau mà khi đến làng khác, họ sẽ đi bộ cả ngày, nghỉ ngơi tại nhà người quen và tối đến sẽ hát đối đáp.

Về mặt âm nhạc, soọng cô có hai lối hát chính: Hát ngân (ếnh cơ) với hơi cao, luyến láy nhiều, tạo sự da diết kéo dài và hát cộc (coóng cô) với âm điệu dứt khoát, lời ca trực tiếp. Bài hát sử dụng thang âm gồm 5 âm, kết hợp với nhịp điệu ổn định 2/4 hoặc 4/4, đôi khi là nhịp tự do. Những hư từ như “ơ”, “ớ”, “ờ” làm mềm mại lời ca. Một đặc trưng nổi bật của soọng cô ở Bình Dân là giọng hát rõ ràng, âm điệu mượt mà hơn so với các địa phương khác.
Theo Nghệ nhân Tô Thị Tạ (thôn Đầm Tròn, xã Bình Dân), các bài hát đặc biệt là bài soọng cô cổ yêu cầu giọng hát ngân dài, cao để thể hiện hết vẻ đẹp của bài hát. Tuy nhiên, hiện nay lớp trẻ chưa thể hiện được hết vẻ đẹp ấy, khiến việc bảo tồn các bài hát soọng cô cổ gặp khó khăn. Không gian bếp lửa ấm cúng là nơi đặc biệt để người dân Bình Dân quây quần bên nhau, hát đối đáp, chia sẻ những câu ca ngọt ngào. Bếp lửa không chỉ mang lại sự ấm áp mà còn có ý nghĩa tâm linh, thể hiện sự phù trợ của thần bếp (chạo cun) đối với gia đình.
Theo các nghệ nhân, Bình Dân lưu giữ được khá nhiều bài soọng cô cổ. Nghệ nhân Tô Thị Tạ cho biết, trong hơn 100 bài soọng cô mà bà sưu tầm, có đến 60-70% là những bài hát cổ. Cũng theo bà, hiện nay, một số bài hát hiện đại đã được sáng tác để ca ngợi đất nước, cuộc sống và cách mạng.

Trong bối cảnh hiện đại, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát soọng cô vẫn đứng trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, cộng đồng người Sán Dìu ở Bình Dân vẫn kiên trì gìn giữ và truyền dạy qua các thế hệ. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà còn khẳng định niềm tự hào về bản sắc dân tộc, góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa Quảng Ninh.
Theo