TP Hạ Long phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong kỷ nguyên mới
Ngày 26/12, TP Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.”
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương cùng đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong nước.
Mục tiêu của hội thảo là tìm kiếm giải pháp đột phá nhằm xây dựng Hạ Long trở thành một cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc, một thành phố kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, đồng thời khẳng định vị thế là trung tâm du lịch – di sản đẳng cấp quốc tế.
TP Hạ Long là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, Hạ Long đã ghi dấu ấn với nhiều bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế – xã hội.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức như đại dịch COVID-19 hay cơn bão Yagi, thành phố vẫn đạt được những thành tựu quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò là hạt nhân trong không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh khu vực, Hạ Long đối mặt với hàng loạt thách thức lớn như: Biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đòi hỏi các chính sách phát triển bền vững; Nguồn thu ngân sách giảm, nhất là các nguồn thu từ đất, gây khó khăn cho việc đầu tư phát triển; Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ di sản, đặc biệt là cân bằng giữa công nghiệp hóa và bảo tồn giá trị Vịnh Hạ Long; Tốc độ đô thị hóa nhanh, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt và phá vỡ cảnh quan tự nhiên; Thiếu kết nối hài hòa giữa đô thị và di sản, chưa tạo được bản sắc riêng trong không gian đô thị biển.
Những thách thức này đòi hỏi Hạ Long phải có những chiến lược đột phá để tận dụng lợi thế và chuyển đổi những khó khăn thành cơ hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã cùng thảo luận về những nội dung trọng tâm liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế di sản.
Các đại biểu tập trung làm rõ những khái niệm cốt lõi, phân tích tiềm năng, lợi thế của Hạ Long trong phát triển ba lĩnh vực này, đồng thời chỉ ra các rào cản, điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Một trong những vấn đề lớn được đặt ra là Hạ Long đang đứng ở đâu trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và khai thác kinh tế di sản so với khu vực và thế giới? Những mô hình đô thị xanh, thông minh và di sản nào trên thế giới mà Hạ Long có thể học tập?
Các tham luận tại hội thảo đã nhấn mạnh rằng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế số và khai thác giá trị di sản không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là cơ hội để Hạ Long khẳng định thương hiệu địa phương.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, để tạo sự bứt phá, thành phố cần xây dựng kế hoạch tích hợp các nội dung này vào chiến lược phát triển dài hạn, đặc biệt là các mục tiêu và định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2025-2030.
Hội thảo cũng gợi mở những sáng kiến đột phá, trong đó có ý tưởng xây dựng một trung tâm đô thị mới với các định hướng: (1) trung tâm du lịch kết nối với thế giới; (2) bảo tồn gắn với khai thác các giá trị di sản văn hoá – thiên nhiên; (3) khu đô thị gắ́n với kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh; (4) mô hình quản lý (chính quyền đô thị) hiện đại; (5) khai thác giá trị từ đất cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, và áp dụng các chính sách về thuế và phí liên quan đến bất động sản để có đủ nguồn thu cho việc vận hành và bảo dưỡng đô thị.
Hội thảo đã khẳng định, việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế di sản là xu thế tất yếu, phù hợp với định hướng toàn cầu và lợi thế của thành phố.
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long nhấn mạnh, các ý kiến tại hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý báu để thành phố xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể.
Ông đề nghị các phòng, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các khuyến nghị từ hội thảo để tích hợp vào văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 và các chương trình phát triển ưu tiên đến năm 2040.
Với tầm nhìn chiến lược, tinh thần đổi mới sáng tạo và sự đồng lòng của cộng đồng, Hạ Long đang từng bước vươn mình, trở thành hình mẫu tiên phong cho sự phát triển bền vững của cả nước trong kỷ nguyên mới.
Hội thảo không chỉ mang ý nghĩa lý luận mà còn đóng vai trò quan trọng trong thực tiễn, góp phần xây dựng Hạ Long trở thành đô thị di sản đáng sống, trung tâm dịch vụ – du lịch đẳng cấp quốc tế và một thành phố kiểu mẫu giàu đẹp.
Qua đây, Hạ Long tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu, tiên phong trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, sẵn sàng cùng cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Theo