Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
Home Văn hóa Vì sao lễ hội kiêng gió, lễ cấp sắc, lễ mừng cơm mới được công nhận là di sản phi vật thể?

Vì sao lễ hội kiêng gió, lễ cấp sắc, lễ mừng cơm mới được công nhận là di sản phi vật thể?

by Bút Chì
Vì sao lễ hội kiêng gió, lễ cấp sắc, lễ mừng cơm mới được công nhận là di sản phi vật thể? ảnh 1

Lễ hội Kiêng gió, Lễ cấp sắc, Lễ mừng cơm mới là 3 di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Ninh vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa số lượng di sản phi vật thể của tỉnh này lên con số 15.

 

]

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các quyết định về việc đưa 3 di sản văn hóa của Quảng Ninh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo các quyết định, tỉnh Quảng Ninh có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm Lễ hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán diễn ra định kỳ hàng năm, chính hội vào ngày 4/4 Âm lịch. Vào ngày này, không một thành viên nào ở nhà vì người dân quan niệm nếu trong nhà có người thì thần gió sẽ không vào. Họ lặng lẽ rời nhà từ sớm, để khi thần gió vào nhà sẽ mang đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ và đem vào nhà những điều tốt lành, sự ấm no, sung túc.

Lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ đặt tên đối với người con trai Dao Thanh Y dù có nhiều tuổi đến đâu, mà chưa trải qua lễ cấp sắc coi như chưa có tên, chưa ghi danh, chưa được cộng đồng và các thần linh công nhận. Do đó, người đàn ông Dao Thanh Y đã qua cấp sắc mới được coi là người trưởng thành, khẳng định với dòng tộc, tổ tiên về vị trí, vai trò của người đàn ông trong gia đình, mới được phép tham gia vào những công việc hệ trọng của làng, đủ tư cách thắp hương bàn thờ và có thể đi cúng cầu may, cầu mùa cho hàng xóm, khi chết được về đoàn tụ với tổ tiên.

Lễ mừng cơm mới là một phong tục có từ lâu đời ở Bình Liêu, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, phổ biến của bà con dân tộc Tày.

“Linh hồn” trong lễ cúng mừng không thể thiếu món xôi cơm mới thơm ngát. Xôi cơm mới đặc biệt thơm ngon, dẻo, có vị thơm, ngọt của nếp đầu mùa.

Đặc biệt cơm mới có màu xanh cốm rất “bắt mắt”, vị thơm dịu nhẹ, ngọt khiến ai ăn một lần là nhớ mãi. Theo tập tục, chỉ sau khi cúng cơm mới, người dân mới bắt đầu đem lúa gạo mới thu hoạch trong vụ vừa xong ra xay xát dùng cho nhu cầu hàng ngày.

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận trước đó gồm Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái, Hát Nhà tơ (hát cửa đình), Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh, Lễ hội Xuống đồng.

Theo

Báo Tiền Phong

TIN TỨC QUẢNG NINH

Tintucquangninh.com là cổng thông tin điện tử hàng đầu, chuyên tổng hợp và cung cấp tin tức đầy đủ, đa chiều về tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu trở thành cầu nối thông tin đáng tin cậy, trang web không ngừng cập nhật những tin tức mới nhất, nhanh chóng và chính xác nhất, từ các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa đến đời sống xã hội.

@2024 – All Right Reserved. Ghi rõ nguồn khi trích dẫn thông tin từ Tintucquangninh.com