PGS.TS Nguyễn Thị Yên, nguyên Trưởng Phòng Tín ngưỡng lễ hội, Viện Nghiên cứu văn hóa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam, là nhà khoa học có thâm niên trong nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Kinh… Đồng thời, bà cũng có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Bà cũng là tác giả của cuốn sách “Then Tày” được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2007.
Nhân chuyến khảo sát về hát then của PGS.TS Nguyễn Thị Yên tại Bình Liêu, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn bà.
– Theo bà, then nghi lễ của dân tộc Tày ở Quảng Ninh có những đặc điểm gì đáng chú ý?
+ Theo quan niệm của người Tày ở Bình Liêu, then tức là “thiên” (trời), nghi lễ then tức là nghi lễ của người trời. Những người làm then được cho là đã được trời ban cho sứ mạng giữ mối liên hệ giữa người trần gian với Ngọc Hoàng và Long Vương cứu giúp người trần. Người làm then có thể là nam hoặc nữ. Ở Quảng Ninh, người làm then là nữ và được gọi là bà then. Trong văn bản của các thầy cúng thì chữ “then” thường được dùng chữ “thiên” để phiên âm, biểu thị ý nghĩa liên quan đến trời, Phật, thế lực siêu nhiên. Xét về phương diện thể loại, tín ngưỡng then là một hình thức lấy yếu tố nhập và xuất hồn làm nòng cốt. Cái này tồn tại ở khá nhiều tộc người ở nước ta như hầu đồng của người Kinh. |
Trong tín ngưỡng dân gian người Tày, then khởi phát từ các trò chơi mang hình thức nhập đồng của trẻ em và của các nam nữ thanh niên. Những siêu linh mà họ nhập đồng thường là các nàng tiên hay linh hồn của các vật vô tri vô giác như nàng trứng, nàng cám, nàng sọt, nàng hương (hương đốt), nàng trăng… Trong số những người tham gia các trò chơi nhập đồng sẽ có những người hợp căn với một nàng tiên nào đó và được nàng tiên hộ mệnh để cứu giúp người đời. Về sau do nhu cầu của xã hội mà then phát triển thành các hình thức cầu cúng này biến trong xã hội người Tày – Thái (bao gồm cả tộc người Choang bên Trung Quốc).
Khảo sát then Tày ở Bình Liêu, chúng tôi nhận thấy, đây là dòng then ít có yếu tố văn hóa Kinh xen lẫn vào. Biểu hiện rõ ở chỗ trong nghi lễ lảu then có lễ lên lầu lễ khao binh là nghi lễ rất đặc trưng. Lời ca ít pha tiếng Kinh. Thực hành đơn giản mộc mạc với nét riêng về ý nghĩa và giá trị lịch sử. Do đó, then Tày Bình Liêu mang giá trị lịch sử với nhiều yếu tố bản địa góp phần làm phong phú di sản văn hóa diễn xướng then của người Tày nói chung.
– Phải chăng yếu tố bản địa bền vững đó, đã giúp then nghi lễ ở Quảng Ninh không bị lai tạp làm mất đi bản sắc?
+ Chúng ta phải đi về nguồn gốc. Then xuất phát từ trong tín ngưỡng dân gian với những giá trị cốt lõi tập trung chủ yếu trong cộng đồng người Tày. Qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa múa chầu là một phần quan trọng của then, được nâng cao phát triển và đưa vào cung đình phục vụ vua chúa vào thời kỳ nhà Mạc cát cứ ở Đông Bắc nước ta. Sau khi nhà Mạc tan rã, múa chầu và then lại trở về đời sống dân gian, được nhân dân yêu chuộng và lưu truyền cho đến ngày nay. Khi nhà Mạc tan rã, then ra ngoài dân gian thâm nhập vào các địa phương khác nhau.
Nhóm then của người Pián (nhóm người Choang) ở huyện Phòng Thành giáp tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Dòng then này mang nhiều yếu tố cổ hơn, thể hiện qua bản thân nghệ nhân, qua đối tượng thờ cúng và qua hình thức diễn xướng. Tương truyền, dòng then này có gốc từ Quảng Ninh, Việt Nam. Qua quá trình tiếp cận, nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bên kia biên giới cũng có dòng then Nùng ở Trung Quốc (Bằng Tường, Ninh Minh, Phù Si). Còn ở tỉnh Lạng Sơn, chủ yếu nhánh Nùng Cháo không có múa chầu. Then của người Tày Quảng Ninh không bị lai tạp bởi những dòng then đó.
Then nghi lễ của người Tày ở Bình Liêu còn bảo tồn được không gian văn hóa tín ngưỡng then góp phần bổ sung dữ liệu nghiên cứu bảo tồn truyền dạy và phát huy giá trị di sản. Một điều rất đặc biệt là vị trí địa lý của Bình Liêu rất gần Phòng Thành Cảng, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc nhưng không bị lai tạp, biến đổi nên có thể nói không gian then này rất đặc trưng, cần được quan tâm và gìn giữ.
Then Tày Bình Liêu có giá trị bảo lưu sắc thái văn hóa tộc người, quy tụ bảo lưu ngôn ngữ, phong tục tập quán, quan niệm về thiên nhiên, nhân sinh quan, thế giới quan của người Tày. Trong khi, chúng ta đang rất thiếu các tư liệu thành văn thì việc nghiên cứu các nghi lễ then diễn xướng then ở Bình Liêu là hết sức cần kíp, góp phần vào việc tìm hiểu sự phát triển văn hóa xã hội địa phương cũng như sự giao lưu văn hóa giữa cư dân vùng Đông Bắc.
– Cụ thể, chúng ta phải bảo tồn những gì của diễn xướng then, thưa bà?
+ Tại Bình Liêu còn giữ được những vật dụng cổ, tranh cổ, dụng cụ hành lễ của thầy then quý giá, rất cần phải sưu tập làm bảo tàng trưng bày. Then Tày Bình Liêu có giá trị bảo lưu sắc thái văn hóa tín ngưỡng cổ truyền. Những nghệ nhân dân gian là thầy then, thầy cúng là những báu vật nhân văn sống đang bảo tồn di sản góp phần vào lưu giữ then bảo tồn tín ngưỡng cổ truyền, bảo tồn văn hoá và ngôn ngữ cổ của tộc người. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ nghệ nhân, có chế độ chính sách đãi ngộ nhiều hơn nữa đối với họ.
– Muốn bảo tồn phát huy tốt hơn nữa giá trị di sản hát then, chúng ta cần phải làm như thế nào thưa PGS?
+ Muốn bảo tồn phát huy tốt, trước hết cần phải tổ chức sưu tầm nghiên cứu một cách có hệ thống về di sản diễn xướng then của người Tày. Thực tế, cũng chưa có tài liệu nào miêu tả toàn bộ diễn trình của diễn xướng then nghi lễ (lảu then) ở Quảng Ninh hiện nay. Chúng ta cũng cần nghiên cứu cả âm nhạc, vũ đạo, rồi nghệ thuật chế tác đàn tính. Tất cả đều cần có những nghiên cứu riêng. Trên cơ sở những nghiên cứu đó, chúng ta sẽ có được cái nhìn tổng thể về di sản diễn xướng then Tày.
Chúng ta cũng cần bảo tồn trong môi trường cộng đồng. Khi đó người dân tự nguyện tổ chức các nghi lễ diễn xướng then. Chúng ta có thể phục dựng những ngôi làng người Tày cổ, một căn nhà làm then chung, một lầu then chung mang tính cổ sơ trong một bản làng của người Tày. Các nhóm có nhu cầu có thể đến đó để làm then luân phiên nhau. Đồng thời, cũng cần sáng tác mới, biên tập dàn dựng các chương trình hát then văn nghệ để phục vụ lễ hội và phát triển du lịch cộng đồng. Điều thứ ba như tôi nói ở trên là quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân dân gian khai thác vốn quý từ họ, tổ chức cho nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ.
– Bên trên PGS vừa nhắc đến mối tương quan gần gũi giữa hát then và nghi lễ hầu mẫu của người Việt. Cả hai đều đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo PGS, sự gần gũi giữa hát then và tín ngưỡng thờ mẫu thể hiện cụ thể ở những khía cạnh nào?
+ Theo tôi, liên hệ giữa then nghi lễ với tín ngưỡng tứ phủ rất là rõ, liên quan chặt chẽ với nhau ở nhiều góc độ. Từ xa xưa, nhập đồng, hầu đồng giải quyết những vấn đề tâm linh khi mà xã hội chưa giải quyết được. Thậm chí đến tận xã hội đương đại bây giờ cũng có những vấn đề chưa giải quyết được thì bà con vẫn phải giải quyết bằng tâm linh. Đó là điểm rất giống nhau giữa then nghi lễ và diễn xướng hát chầu văn hầu mẫu tứ phủ. Thêm nữa, nghiên cứu ở nhóm then Bình Liêu, chúng tôi nhận thấy, các thầy then ở đây thờ tranh của các bà tiên, hình tượng này rất gần với bà chúa mường, mẫu thượng ngàn của tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ.
– Cám ơn PGS đã trả lời phỏng vấn!
Theo