TP Hạ Long được quy hoạch theo định hướng phát triển mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững, có cấu trúc phát triển gồm 5 vùng và 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới và các vùng núi phía Bắc. Trong hướng đi chung đó, di sản văn hoá sẽ là nền tảng vững chắc, là bệ phóng cho thành phố vươn mình.
Hạ Long là miền đất của những di sản văn hoá. Các trầm tích văn hóa được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống qua hàng nghìn năm lịch sử, tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, đặc sắc về nội dung, hiện hữu sinh động qua những huyền tích, đền miếu, văn bia, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của cộng đồng cư dân Hạ Long. Kể từ khi huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào địa giới hành chính của TP Hạ Long thì kho tàng di sản văn hoá này lại càng thêm phần phong phú. Thành phố hiện có 96 di tích lịch sử, văn hóa, có 16 lễ hội văn hóa truyền thống.
Từ lợi thế đó, Hạ Long có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành phố di sản. Tại hội thảo “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Ban Thường vụ Thành uỷ phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 26/12/2024, ông Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết, với lợi thế là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và 96 di tích lịch sử văn hóa, thời gian qua, dưới sự định hướng và chỉ đạo của tỉnh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản đã là mục tiêu chiến lược được TP Hạ Long nỗ lực thực hiện và bước đầu gặt hái nhiều kết quả tích cực. Việc nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long giúp mở rộng không gian phát triển của thành phố, cộng hưởng cả thế mạnh biển – đảo, làm tiền đề cho Hạ Long trong định hướng trở thành đô thị di sản từ nguồn tài nguyên văn hóa, con người trong giai đoạn phát triển mới.
Để phát triển kinh tế di sản, ông Vũ Quyết Tiến cho biết, Hạ Long cần xây dựng chiến lược marketing địa phương gắn với định vị mới về đô thị xanh, đô thị số, đô thị di sản toàn cầu. Trong đó, khai thác ưu thế của vị trí, giá trị độc đáo, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, chính quyền hiệu quả và hiệu lực, trở thành một đô thị di sản đáng sống và hấp dẫn…
Tại hội thảo trên, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, đề xuất TP Hạ Long nên đặt không gian văn hóa Vịnh Hạ Long trong mối liên kết chuỗi và di sản liên vùng để tạo hiệu ứng, nhân tố kích hoạt cho sự gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới. Mặt khác, thành phố cũng nên định vị rõ là thành phố biển, phát triển theo mô hình đô thị di sản, lấy di sản thiên nhiên, văn hóa làm mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long cũng phải đặt trong mối quan hệ và tầm nhìn với Vịnh Bái Tử Long và Cát Bà. Thành phố nên sớm tính đến việc kết nối với Yên Tử. Hai không gian sáng tạo văn hóa là Hạ Long và Yên Tử một ở núi cao và một ở biển cả sẽ như là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế khu vực, quốc tế của đô thị di sản Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Theo