Ngoài địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn tại quận 3 là nơi du khách có thể trải nghiệm chui xuống hầm trú ém quân và chứa vũ khí thời chiến tranh.
Căn nhà cổ hai tầng, có ban công rộng, treo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nằm trong con hẻm nối hai con đường Nguyễn Đình Chiểu – Võ Văn Tần đông người, xe qua lại.
Thời chống Mỹ, nơi này được ngụy trang là nhà ở của hai chiến sĩ biệt động Trần Vai Lai (tức Mai Hồng Quế, Năm Lai, Năm Usom…) – Đặng Thị Thiệp (tức Đặng Thị Tuyết Mai). Ông Lai làm thầu khoán thiết kế và trang trí nội thất cho Dinh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (nay là Dinh Độc Lập), tận dụng công việc này để hoạt động cách mạng. Bà Thiệp được tổ chức sắp đặt làm vợ của ông. Sau này, họ trở thành vợ chồng thật sự, có với nhau 6 người con.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai lộ thân phận sau chiến dịch Mậu Thân 1968, khiến địa điểm này cùng nhiều căn cứ Biệt động Sài Gòn khác bị chính quyền cũ tịch thu và bán lại cho người dân.
Sau ngày hòa bình 30/4/1975, Bộ Tư lệnh TP HCM lấy lại căn nhà này làm di tích. Hiện tại, nơi đây thuộc hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, được thực hiện bởi ông Trần Kiến Xương – Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam của Tòa án Nhân dân tối cao. Ông Xương là người con thứ ba của ông Lai – bà Thiệp.
Ông Lai cho biết địa điểm tại quận 3 là một trong các căn cứ Biệt động Sài Gòn đầu tiên được ông phục dựng hoàn thiện vào thập niên 1980. Bảo tàng được công nhận di tích cấp thành phố năm 1984 và cấp quốc gia năm 1988. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định
Điểm nhấn thu hút du khách tới thăm bảo tàng là căn hầm trú ém quân và chứa vũ khí. Miệng hầm ở phòng khách, dưới gầm bàn trà, được che đậy kín đáo bằng các viên gạch, không dễ để mắt thường phát hiện. Từ lối chui xuống ở tầng trệt, căn hầm có lối đi bí mật dẫn lên thẳng tầng trên.
Theo ông Trần Kiến Xương, căn hầm do bố mẹ ông tự tay đào trong nhiều tháng, từ khoảng năm 1965, phục vụ chứa vũ khí cho cho chiến dịch Mậu Thân 1968.
‘Ba mẹ tôi không thể nhờ thêm ai khác hỗ trợ đào hầm vì nhiều người tham gia sẽ dễ lộ tẩy hành động’, ông Xương giải thích. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Nguồn