Theo các chuyên gia thì đối với thế giới, kinh tế di sản là một khái niệm hay là một loại hình kinh tế không phải là quá mới, trong đó du lịch di sản – văn hóa là một biểu hiện cụ thể nhất. Như vậy, với chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ hơn chục năm trước, Quảng Ninh đã sớm phát triển kinh tế di sản.
Để ngành du lịch phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, ngày 24/5/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Nhờ đó, trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, đạt 10,8%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 220.298 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước 5 năm (2015 – 2020) đạt trên 212.200 tỷ đồng, tăng 29% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó thu nội địa đạt trên 155.000 tỷ đồng, tăng 88% so với giai đoạn 2011-2015, thu xuất nhập khẩu đạt trên 57.200 tỷ đồng, vượt trên 43% so với chỉ tiêu trung ương giao. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh liên tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2015 – 2019, Quảng Ninh đón 52,239 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 21,521 triệu lượt.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, đánh giá: “Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế của Quảng Ninh trong giai đoạn này là đã định hướng, phát triển ngành dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại đã tạo đòn bẩy để du lịch phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, từ việc xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch du lịch đến hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch được tăng cường.”
Kinh tế di sản thông qua khai thác các di sản văn hóa và thiên nhiên để tạo ra giá trị, bao gồm các hoạt động như: du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, phát triển các dịch vụ gắn liền với di sản, bảo tồn di sản. Trên cơ sở thống nhất quan điểm phát huy các giá trị của hệ thống lễ hội – một trong những nguồn lực văn hóa quý giá để phát triển kinh tế – xã hội địa phương, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hành động thiết thực để vừa bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống vừa phát triển các lễ hội văn hóa mới mang thương hiệu riêng có, xây dựng thành các sản phẩm văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” xác định thiên nhiên, văn hóa và con người là ba trụ cột để phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch, dành nguồn lực thỏa đáng tương xứng với mức thu ngân sách của tỉnh cho đầu tư văn hóa với 4.759 tỷ đồng giai đoạn 2018 – 2022.
Tỉnh cũng nhấn mạnh, cần triển khai nhiệm vụ tiếp tục khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống; tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa – thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc; bảo tồn, quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, kiến trúc đặc trưng, không gian văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc giữ gìn, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa,
Nhờ đó, năm 2024, Quảng Ninh về đích đón trên 19 triệu lượt khách du lịch, lượng khách cao nhất trong lịch sử. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Trong định hướng trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế, Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác kinh tế di sản theo hướng bảo tồn phải đi đôi với phát triển; để phát triển tạo động lực và nguồn lực cho bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của di sản.
TS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gợi mở: “Để phát triển kinh tế di sản, Quảng Ninh cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp nguồn nhân lực ngành văn hóa và ngành du lịch, khuyến khích hoạt động liên kết các vùng, các địa phương trong phát triển du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Theo