Bằng tình yêu và nhiệt huyết với văn hóa, với sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm, những doanh nhân trẻ làm du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh như Nguyễn Trung Kiên và Lê Minh Thứ đang góp phần tích cực vào việc xây dựng du lịch Quảng Ninh vừa hội nhập vừa bản sắc. Với họ, văn hóa truyền thống chính là lựa chọn cho sự khác biệt và bền vững.
Trở lại Am Váp Farm – mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long), hơn 6 tháng kể từ khi các thuyền trưởng và thuyền phó của đoàn thuyền đua Clipper Race có chuyến thăm tới bản du lịch này, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Sau khi khắc phục thiệt hại gây ra do bão Yagi, từ ngày 26/10, Am Váp Farm đón khách trở lại với nhiều hoạt động trải nghiệm hơn: Một căn lều được xây dựng bằng tre nứa mang phong cách nhà truyền thống của người Dao đã được dựng ngay trước khu vực nhà hàng để du khách trực tiếp mua nông sản từ bà con người Dao và thêm trải nghiệm giã gạo cho du khách. Đáng mừng hơn là năm nay đã có thêm hai hộ gia đình tại Khe Phương đăng ký tham gia vào mô hình phát triển du lịch cộng đồng.
Gần 5 năm trước, khi cùng những người bạn có cùng chí hướng đi về vùng núi của TP Hạ Long, tìm kiếm địa điểm phù hợp và cơ hội phát triển du lịch cộng đồng, anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1982, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Am Váp Farm), nguyên là Chủ tịch CLB Khởi nghiệp Hoành Bồ, chắc hẳn đã đặt niềm tin rất lớn và nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại đây. Và hôm nay khi Am Váp Farm đã khởi sắc, trở thành điểm sáng của Hạ Long cũng như của tỉnh về phát triển du lịch cộng đồng, anh Kiên lại càng vững tin vào việc làm du lịch bền vững từ văn hóa.
“Làm du lịch cộng đồng là câu chuyện rất khó. Không phải chỉ có vốn là làm được mà quan trọng là phải được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, phải dựa vào người dân, dựa vào văn hóa bản địa. Để người dân tin tưởng và đồng hành với mình thì mình phải gần gũi, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, phải trở thành một người con của thôn, bản. Ở Kỳ Thượng, tôi xin phép được mang tên là Bàn Kiên. Vào ngày lễ, ngày Tết, mình cũng mặc áo dân tộc như bà con, đến nhà chúc Tết các cụ, các ông, các chú. Bên cạnh đó, để làm được du lịch văn hóa, mình cũng phải dành thời gian nghiên cứu kỹ càng phong tục, tập quán của bà con. Có như vậy, sản phẩm xây dựng mới thực sự có gốc văn hóa vững chắc và nguyên bản”.
Ra đời sau Am Váp Farm 2 năm, sản phẩm du lịch “Phiên chợ Ký ức” của anh Lê Minh Thứ (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành Long) là một sản phẩm du lịch văn hóa mới của TP Hạ Long trong năm 2024, đang tạo được nhiều dấu ấn riêng. Đến với phiên chợ, du khách sẽ được ngắm nhìn, suy tư với những món đồ cũ, đồ xưa, những kỷ vật đã hàng chục năm tuổi gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt đời thường của rất nhiều người Việt Nam, những món đồ từ thời bao cấp đã cùng người dân Quảng Ninh đi qua một thời gian khó. “Phiên chợ ký ức” đúng như tên gọi đã chạm tới một miền cảm xúc đong đầy, hoài niệm với rất nhiều người dân Quảng Ninh. Đứng trước những sạp hàng đơn giản, nhiều du khách dù xa lạ nhưng lại dễ dàng cùng nhau bộc bạch về những kỷ niệm với chiếc bàn là con gà hay phích nước Rạng Đông…
Hàng tuần, Phiên chợ ký ức mở vào thứ 7 bên ngoài khuôn viên Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh và Chủ nhật tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. “Tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm du lịch giàu cảm xúc cho du khách. Khi đến với Phiên chợ ký ức, thông qua những món đồ cũ, đồ xưa, mọi người sẽ nhớ về một quá khứ khó khăn nhưng ai cũng nâng niu, trân trọng. Còn với những du khách nước ngoài, tôi hy vọng thông qua những món đồ nhỏ bé nhưng có những câu chuyện đằng sau đó, họ sẽ thêm hiểu và thêm yêu nét văn hóa sinh hoạt, bản chất cần cù, chịu khó của người Việt Nam” – anh Lê Minh Thứ chia sẻ.
Không dừng lại ở việc phát triển mô hình kinh doanh riêng, tháng 9/2024, anh Nguyễn Trung Kiên và Lê Minh Thứ tham gia vào CLB Du lịch cộng đồng Quảng Ninh (trực thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh). Với vai trò là Phó Chủ tịch CLB, hai thanh niên 8X đang góp sức cùng những người tâm huyết với văn hóa truyền thống của Quảng Ninh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc như hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch khám phá, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với phiên chợ ổi, tái hiện trang phục, tiết mục văn nghệ truyền thống người Sán Dìu ở xã Sơn Dương (TP Hạ Long) và trợ giúp bà con thôn bản ở xã Đại Dực thành lập HTX Du lịch…
Khi người trẻ đam mê văn hóa, sống trách nhiệm với văn hóa của cha ông để lại, Quảng Ninh hứa hẹn sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc và diện mạo của những thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhờ đó sẽ ngày càng đổi thay, bừng sáng.
Theo