Với đường bờ biển dài và hệ thống hạ tầng truyền tải điện hiện đại, Quảng Ninh nổi lên như một địa phương giàu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.
Với đường bờ biển dài 250km và hệ thống hạ tầng đấu nối, truyền tải điện hiện đại, Quảng Ninh đang nổi lên như một địa phương giàu tiềm năng phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió. Viện Năng lượng đã khảo sát và đánh giá nguồn tài nguyên điện gió tại Quảng Ninh có thể đạt khoảng 13.000MW dọc bờ biển và 2.300MW trên đất liền, tập trung chủ yếu ở huyện Cô Tô và TP Móng Cái.
Chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển năng lượng sạch
Tham luận tại Diễn đàn Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, hệ thống hạ tầng truyền tải điện đa dạng, kết hợp với giao thông kết nối đường bộ, đường thủy và hàng không, tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, vịnh Bái Tử Long với các dãy núi tự nhiên đóng vai trò như những đê chắn sóng, bảo vệ các kho khí và hạ tầng điện khí, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng đầu tư. Các lợi thế này không chỉ giảm chi phí mà còn nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần tăng sức cạnh tranh quốc gia.
Với đường bờ biển dài 250km và hệ thống hạ tầng đấu nối, truyền tải điện hiện đại, Quảng Ninh đang nổi lên như một địa phương giàu tiềm năng phát triển năng lượng sạch. – Ảnh: C.T |
Ngoài ra, việc hoàn thiện hệ thống cảng biển nước sâu, đường ống dẫn khí và kho khí được thiết kế tránh tác động của mưa bão cũng là điểm cộng quan trọng. Đây là nền tảng giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm phát triển điện khí với chi phí đầu tư hợp lý và tiềm năng sinh lời cao.
Trong chiến lược phát triển, Quảng Ninh đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, ưu tiên bảo vệ môi trường biển, bảo tồn hệ sinh thái và khai thác cảnh quan tự nhiên một cách bền vững. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để Quảng Ninh xây dựng nền kinh tế biển hiện đại, bền vững, phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã có bước chuyển mình ấn tượng khi chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí tự nhiên sang khai thác và sử dụng năng lượng sạch, an toàn như gió, mặt trời, nước và nhiên liệu sinh học. Đây là minh chứng rõ nét cho sự cam kết của tỉnh trong việc hướng tới phát triển bền vững, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Nhà máy điện khí LNG đầu tiên tại miền Bắc
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, một trong những dự án tiêu biểu thể hiện tầm nhìn chiến lược của Quảng Ninh là Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại văn bản số 1409/TTg-CN ngày 17/10/2020. Với công suất 1.500 MW (giai đoạn 1), đây là nhà máy sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên tại miền Bắc.
Dự án, tọa lạc trên diện tích khoảng 60 ha tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, có tổng mức đầu tư gần 48.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD). Sau khi hoàn thành, nhà máy dự kiến cung cấp khoảng 9 tỷ kWh điện mỗi năm cho lưới điện quốc gia và đóng góp khoảng 57.700 tỷ đồng vào ngân sách địa phương trong vòng 25 năm. Đặc biệt, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực điện khí LNG, khẳng định vị thế của Quảng Ninh trong bản đồ phát triển năng lượng quốc gia.
Để thúc đẩy tiến độ dự án, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, từ việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đến hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình thẩm định tại Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Ngày 11/7 vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác chuyên trách nhằm đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, đảm bảo dự án vận hành giai đoạn 2028–2029 theo Quy hoạch điện VIII.
Khai thác tiềm năng điện gió
Ngoài LNG, Quảng Ninh còn chú trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ gió. Theo văn bản số 1200/UBND-CN ngày 1/3/2022, tỉnh đã đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII kế hoạch phát triển 5.000 MW điện gió từ 2021 đến 2040, bao gồm 3.000 MW ngoài khơi và 2.000 MW trên bờ. Trong giai đoạn 2021–2030, tỉnh ưu tiên triển khai 2.500 MW, trong đó 500 MW là điện gió ngoài khơi.
Đề xuất này được xây dựng dựa trên lợi thế tự nhiên nổi trội của tỉnh về nguồn năng lượng gió. Hiện nay, Quảng Ninh đang thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn. Điển hình, Tập đoàn BP (Anh Quốc) và Công ty CP Tập đoàn Sovico (Việt Nam) đã đề xuất đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với công suất ước tính 3 GW, cung cấp 8–10 TWh năng lượng/năm. Dự án được lên kế hoạch phát triển qua ba giai đoạn, bắt đầu từ năm 2027 với công suất 500 MW.
Ngoài ra, Phó Đại sứ Đan Mạch cũng đã giới thiệu Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đến khảo sát và nghiên cứu đầu tư tại Quảng Ninh. CIP là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Tầm nhìn chiến lược: Trung tâm năng lượng sạch của miền Bắc
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/02/2023, Quảng Ninh sẽ phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, Trong đó, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch;
Tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia, chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than; đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư phát triển điện khí LNG, phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi và các dự án điện tận dụng khí, nhiệt thải để phát điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 80 ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 500 ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với sự đồng bộ giữa các chính sách và quy hoạch quốc gia, Quảng Ninh không chỉ giữ vững vị thế trung tâm năng lượng miền Bắc mà còn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. |
Theo