Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bền vững để khắc phục tình trạng thiếu đất san lấp, đảm bảo nguồn cung ổn định cho các công trình xây dựng.
Nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp nên nhu cầu về đất, đá phục vụ san lấp mặt bằng rất lớn.
Ước tính, giai đoạn 2020 – 2025, toàn tỉnh Quảng Ninh cần tới 650 triệu m3 đất đá. Trung bình mỗi năm, tỉnh cần 130 triệu m3 phục vụ san lấp các dự án trọng điểm, như: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, các khu công nghiệp và một số dự án tại TP. Hạ Long…
Sử dụng nguồn đất đồi thi công đắp nền đường dự án tuyến đường nối cầu 3 Vân Đồn đến khu tái định cư xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Tiến Dũng |
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 và các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu san lấp đến năm 2030 của Quảng Ninh khoảng 1,05 tỷ m3. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025, cần khoảng 566 triệu m3; từ năm 2026 – 2030 cần gần 490 triệu m3.
Cùng với đó, nhu cầu cát san lấp đến năm 2030 cần khoảng 38,5 triệu m3. Tuy nhiên, đến năm 2030, toàn tỉnh Quảng Ninh mới có 79 mỏ đất đồi đã được phê duyệt tại quy hoạch tỉnh với tổng trữ lượng có thể khai thác trên 250 triệu m3. Trung bình mỗi năm, những mỏ này chỉ đáp ứng được 30 triệu m3, tương đương với khoảng 25% nhu cầu sử dụng toàn tỉnh.
Hiện hầu hết các dự án đầu tư công hay dự án ngoài ngân sách hiện nay đều đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu san lấp. Nhiều dự án, công trình đã phải thi công cầm chừng hoặc dừng thi công do thiếu nguồn vật liệu san lấp. Thực tế này đã gây ra rất nhiều hệ lụy trong quá trình thu hút đầu tư cũng như việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Đối với các dự án khai thác mỏ đất, từ trước năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã cấp phép cho 55 dự án khai thác mỏ đất. Đến nay, cơ bản các mỏ khai thác đất này đã kết thúc hoặc dừng khai thác. Hiện tại, theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh được quy hoạch 79 mỏ đất đồi làm vật liệu san lấp, với diện tích khai thác 1.087ha, tổng trữ lượng khoảng 250 triệu m3.
Theo quy hoạch, hiện có 24 mỏ đất đã và đang được các đơn vị liên quan làm thủ tục cấp phép khai thác, 55 mỏ còn lại đang chuẩn bị triển khai các thủ tục. Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp, với 79 mỏ đất được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là quá ít so với nhu cầu sử dụng, chỉ đáp ứng khoảng 25 – 30% tổng nhu cầu của tỉnh.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn
Để giải “bài toán” về vật liệu san lấp trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch các mỏ đất, đá phục vụ san lấp các dự án, công trình đảm bảo vị trí các mỏ đất gần nhất phục vụ các dự án, công trình đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh việc sử dụng mỏ đất, đá tuần hoàn nhằm tăng thêm nguồn cung cho nhu cầu san lấp.
Theo đó, đối với các dự án làm đường, làm hạ tầng giao thông có lượng đất, đá khai thác dư thừa, chính quyền địa phương có quyền sử dụng phần dư thừa đó cho các dự án khác. Cùng với đó, tận dụng các vật liệu rời như gạch, đá khi phá dỡ các công trình xây dựng để làm vật liệu san lấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, phối hợp với. Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết 6 phương án thu hồi đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, với tổng trữ lượng đất đá khoảng 35 triệu m3.
Những “núi đất, đá” thải mỏ hiện có trữ lượng lên tới trên 1 tỷ m3, nếu được đưa vào làm vật liệu san lấp, sẽ giải quyết cho tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Hoạch |
Ông Trần Như Long – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh – cho biết, thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều điểm mới giúp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chủ quan và khách quan hiện nay về vật liệu san lấp.
Tháng 10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có tờ trình báo cáo UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác một số mỏ sét, trong đó có mỏ sét Tràng An (TP. Đông Triều) để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đáng chú ý, theo Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2025, sẽ phân cấp phân quyền cho địa phương cấp phép khai thác đất đá thải mỏ. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế tuần hoàn mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai trong những năm qua.
Tại Chương trình Cà phê Doanh nhân tháng 11/2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức vừa qua, ông Nghiêm Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – nhấn mạnh: “Với quan điểm doanh nghiệp có phát triển, tỉnh mới phát triển; an sinh xã hội, đời sống, việc làm của người dân, người công nhân mới đảm bảo…, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết sớm nhất các kiến nghị, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Theo: Báo Công Thương