Dù đối mặt với những ‘cơn gió ngược’ nhưng dư địa tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 vẫn còn nhiều ‘cửa sáng’.
Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2025
Thông tin tại buổi công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á diễn ra vào sáng 9/4, ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)- đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 6,6% và năm 2026 sẽ là 6,5%.
![]() |
ADB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 6,6% và năm 2026 sẽ là 6,5%. Ảnh: NH |
Cơ sở để ông Shantanu Chakraborty dự báo mức tăng trưởng 6,6% cho Việt Nam trong năm 2025 dựa vào kết quả tăng trưởng tích cực của Việt Nam trong năm 2024 với gần 7,1%.
“Dù cơn bão Yagi gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng phản ứng nhanh chóng của Chính phủ đã giúp Việt Nam giảm thiểu những tác động của thiên tai đối với tăng trưởng kinh tế” – ông Shantanu Chakraborty khẳng định.
Đồng thời với đó, hoạt động thương mại mạnh mẽ, sự phục hồi của ngành sản xuất xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này đưa Việt Nam vào một vị thế vững chắc hơn để đối phó với những rủi ro và bất định trong thời gian tới.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế của ADB tại Việt Nam cũng nêu rõ, mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 được ADB đưa ra thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, dư địa để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tốt hơn vẫn còn rất tích cực.
Bởi với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó có việc nâng vốn đầu tư công lên gấp rưỡi so với năm 2024, từ 27 tỷ USD vào năm 2024 lên đến 36 tỷ USD vào năm 2025.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%, trong khi đó theo ông Nguyễn Bá Hùng, quý I/2025, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam được đánh giá tích cực hơn cùng thời điểm những năm trước, nhưng mới chỉ đạt trên 13%.
“Nếu so sánh hiệu quả thực hiện với chính sách đưa ra thì tương đối xa, theo đó vẫn còn nhiều dư địa, cơ hội để Việt Nam kích thích tăng trưởng nếu những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng được triển khai hiệu quả” – ông Nguyễn Bá Hùng khẳng định.
![]() |
Các chuyên gia đến từ ADB cũng chỉ ra các động lực cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025. Ảnh minh hoạ |
Khai thác hiệu quả thị trường trong nước và các FTA
Các chuyên gia đến từ ADB cũng chỉ ra ba động lực cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025, bao gồm:
Thứ nhất, thu hút FDI. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, những năm qua Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, thị trường nội địa tương đối ổn định, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để tạo đột phá từ thị trường nội địa, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách kích cầu nội địa đột phá hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối với hàng hoá Việt Nam.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và để hiện thực hoá mục tiêu này, Chính phủ cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Đây là những động lực quan trọng để Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025 và những năm tới.
Mặc dù có nhiều dư địa cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, đại diện ADB cũng thẳng thắn cho rằng, trước những biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ tác động đến tăng trưởng xuất khẩu và kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy đến, đồng thời đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân thông qua các chính sách thuế, đơn giản hoá các thủ tục hành chính. Cùng với đó, có chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, và khai thác triệt để các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký trước đó nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thay vì chỉ phụ thuộc vào một số thị trường.
Liên quan đến khai thác triệt để hơn các FTA, ông Shantanu Chakraborty cho rằng: Với những FTA thế hệ mới đã ký kết, Việt Nam đang có vị thế rất mạnh mẽ để mở rộng và khai thác các thị trường xuất khẩu. Việc khai thác hiệu quả và triệt để các thị trường này sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam trong đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, thúc đẩy cơ hội đẩy mạnh cung cấp dịch vụ, hàng hoá sang các thị trường trong khu vực.
Ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều cải cách thể chế toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và thúc đẩy tăng trưởng. Nếu các cải cách sâu rộng này được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy kinh tế nội địa và nâng cao hiệu quả điều hành trong ngắn hạn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển trong trung và dài hạn, giúp giảm thiểu những rủi ro và bất định bên ngoài. |
Theo