Quảng Ninh – mảnh đất từ lâu đã được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Từ biển khơi mênh mông, đảo xa bồng bềnh sóng nước, đến đồng bằng trù phú, xanh mát, núi đồi trập trùng nối nhau vươn cao tới nơi địa đầu Tổ quốc… Tất cả đan xen, hòa quyện, dệt nên một bức tranh cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng để dù đặt chân đến bất kỳ nơi nào trên mảnh đất vùng Đông Bắc thân yêu này bạn cũng có thể cảm nhận rõ nét sự thanh bình, êm đềm và thi vị của cuộc sống. Không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, Quảng Ninh còn là điểm đến mơ ước, là miền thương nhớ trong trái tim của biết bao du khách bốn phương.
Tự hào những giá trị thiên tạo
Nhắc đến Quảng Ninh có lẽ không thể không nhắc đến Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – một trong những danh thắng nổi tiếng thế giới, vinh dự 3 lần được UNESCO vinh danh. Hiếm có nơi nào có giá trị ngoại hạng và trường tồn như vịnh Hạ Long khi vẻ đẹp nơi đây từ ngàn xưa đến nay vẫn luôn được ngợi ca, thán phục. Vẻ đẹp ấy vượt biên giới, quốc gia, gieo niềm nhớ nhung cho những ai đã từng một lần gặp gỡ, trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong những áng thơ, ca, nhạc, họa.
Vẻ đẹp của vịnh Hạ Long đâu chỉ là vẻ đẹp thần tiên của non nước mây trời bên ngoài, mà còn ẩn chứa diệu kỳ trong lòng những hòn đảo đá. Mỗi hòn đảo, hang động đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về tình yêu, văn hóa, lịch sử, và những chiến công giữ nước đầy tự hào. Đặc biệt, sự kết hợp giữa môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo đã đưa vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng, biển, ven bờ với nhiều loài động, thực vật đặc hữu mà không nơi nào sở hữu và so sánh được.

Không chỉ có Hạ Long, ở bất kỳ địa phương nào trong tỉnh đều được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh quan đặc sắc, kỳ vĩ. Nằm kế bên di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (thuộc Cẩm Phả, Vân Đồn) – một vùng biển đảo tuyệt đẹp, sở hữu hệ thống đảo đá, đảo đất lớn nhỏ, những bãi biển hoang sơ, khu bảo tồn thiên nhiên quý giá và các giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc. Khu vực vịnh Bái Tử Long nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp nguyên sơ như bãi Minh Châu, Quan Lạn. Đặc biệt, nơi đây còn có Vườn quốc gia Bái Tử Long sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao và cảnh quan vô cùng độc đáo.
Cùng với vịnh Hạ Long – biểu tượng di sản đã vang danh khắp năm châu, vịnh Bái Tử Long mang vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng, thì đảo Cô Tô cũng được mệnh danh là “thiên đường biển đảo” của Việt Nam. Với nước biển trong xanh như ngọc, bãi cát trắng mịn trải dài bất tận và những rặng phi lao rì rào trong gió, Cô Tô là điểm hẹn lý tưởng cho những tâm hồn yêu biển, muốn tìm về với vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên.

Không chỉ có biển đảo, Quảng Ninh còn sở hữu hệ sinh thái núi rừng phong phú, kỳ vĩ. Đó là một Bình Liêu đẹp bình dị, hoang sơ, thấm đẫm một màu phiêu du bồng bềnh. Từ sắc mây, sắc núi xanh bát ngát in bóng trên các cung đường tuần tra biên giới, qua dốc qua đèo, bản làng, ruộng lúa đến vẻ đẹp hùng vĩ của thác Khe Vằn, đỉnh Cao Ba Lanh kiêu hùng hay miên man cung đường “sống lưng khủng long”.
Đó là Uông Bí nổi bật với quần thể di tích danh thắng Yên Tử – chốn non thiêng đất Phật. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào danh sơn đất Việt. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non ẩn hiện giữa bốn bề mây trắng hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp. Khu rừng quốc gia Yên Tử còn là một bảo tàng lớn lưu giữ nhiều nguồn gen quý trong hệ sinh thái rừng đặc dụng Việt Nam. Bên cạnh đó, thác Lựng Xanh mát lành, hồ Yên Trung dịu dàng như một nét chấm phá lặng lẽ giữa lòng thành phố.

Thiên nhiên hào phóng ban tặng, nhưng chính con người Quảng Ninh đã dệt thêm vẻ đẹp cho đất trời quê hương bằng khối óc, bàn tay lao động hăng say. Những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh uốn lượn theo triền đồi ở Tiên Yên, Bình Liêu mỗi mùa lúa chín như bức tranh phong cảnh sống động. Những đồi chè xanh mướt trải dài ngút mắt ở Hải Hà, vườn cây ăn trái trĩu quả ở Đông Triều, Hạ Long, Vân Đồn khiến bất cứ ai đi ngang cũng phải dừng chân ngắm nhìn. Và đâu đó giữa những làn nước trong xanh của vịnh Bái Tử Long, những khu vực nuôi trồng thủy sản hiện lên bình dị, tô đậm thêm vẻ đẹp đời sống gắn bó hài hòa giữa con người và thiên nhiên nơi đây.
Gìn giữ “tài sản” vô giá
Có thể khẳng định rằng, thiên nhiên chính là tài sản vô giá của Quảng Ninh, vừa là nền tảng để phát triển kinh tế, vừa là yếu tố quan trọng để gìn giữ môi trường và bản sắc văn hóa. Những năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy những gì mà thiên nhiên ban tặng, để xây dựng những chiến lược, quy hoạch lâu dài hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đưa kinh tế chuyển dần từ “nâu” sang “xanh”. Việc bảo tồn và khai thác hợp lý những giá trị thiên nhiên này giúp Quảng Ninh không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn trở thành hình mẫu về phát triển bền vững, một địa phương “xanh, hiện đại, đẳng cấp” nhưng vẫn mang đậm dấu ấn riêng biệt.

Tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ tính toàn vẹn của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Theo đó, tỉnh tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tới tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường vịnh; kiên quyết thực hiện di chuyển 354 hộ dân ở các làng chài lên sinh sống tại khu tái định cư trong năm 2014; đặt thiết bị phân ly dầu nước cho 100% tàu du lịch hoạt động trên vịnh nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước thải; thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác thu gom rác thải trôi nổi; triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”…
Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; tiên phong số hoá Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn và quy hoạch phát triển kinh tế bền vững.

Tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường; thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển; tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô – đảo Trần; tích cực bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm…
Các ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên thường xuyên tổ chức tái thả để duy trì các cá thể quý hiếm và tổ chức các đợt tuần tra, giám sát hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái rừng, rạn san hô… kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp xử lý các hành vi xâm hại đến các giá trị đa dạng sinh học.
Theo