Trước sáp nhập tỉnh, Cà Mau và Bạc Liêu được biết đến là 2 địa phương có thế mạnh đặc biệt về nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, nhất là tôm.
Cà Mau: Vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước
Theo báo cáo của Cục Thống kê, năm 2024, kinh tế tỉnh Cà Mau tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,09% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 72,6 triệu đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành của Cà Mau ước đạt 47.983 tỷ đồng.
Lĩnh vực nông – lâm – thuỷ sản đạt nhiều kết quả khả quan với tổng sản lượng thuỷ sản đạt 647.000 tấn, tăng 2%. Tổng sản lượng lúa vượt 14%, với khoảng 570.000 tấn. Năm qua, tổng sản lượng thuỷ sản của tỉnh thu về 647.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm 252.000 tấn.
![]() |
Ước đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,2 tỷ USD |
Cùng với đó, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng gần 9% so với cùng kỳ; thương mại, dịch vụ phát triển khá tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 11,5%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%. Thu ngân sách đạt 5.945 tỷ đồng, vượt 11,4% dự toán.
Tỉnh Cà Mau sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển khi là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, vùng biển rộng lớn khoảng 80.000 km2 với 3 cụm đảo gần bờ là Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc.
Đây cũng là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với nguồn lợi thủy sản phong phú, diện tích nuôi tôm lớn nhất nước khoảng 300.000 ha.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau có nhiều lợi thế để khai thác năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, điện khí và khu kinh tế biển. Với địa thế nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, tỉnh Cà Mau khả năng sẽ là trung tâm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Bạc Liêu: Điểm sáng xuất khẩu thủy sản
Theo báo cáo của Cục Thống kê địa phương, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu đạt 6,62%, đứng thứ 10/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 46/63 cả nước. Cơ cấu kinh tế bao gồm: Khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm trên 41%, công nghiệp – xây dựng chiếm trên 16% và dịch vụ chiếm trên 36% trong GRDP. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người ước đạt trên 70,6 triệu đồng/năm. Tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành của Bạc Liêu ước đạt 65.625 tỷ đồng.
Các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng khá so cùng kỳ: Sản lượng thủy sản tăng 9,37% (trong đó sản lượng tôm tăng 15,97%); nông dân sản xuất lúa được mùa, trúng giá, sản lượng lúa thu hoạch vượt 5,47% kế hoạch đề ra; kim ngạch xuất khẩu tăng 18%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,67% so cùng kỳ; thu ngân sách vượt 4,3% dự toán. Đặc biệt, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đạt 1,2 tỷ USD, trong đó sản phẩm tôm là 1,13 tỷ USD.
![]() |
Bạc Liêu vận dụng nuôi tôm công nghệ cao và phát huy thế mạnh đó của tỉnh |
Bạc Liêu được xác định có thế mạnh đặc biệt về nuôi tôm công nghệ cao, tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Tỉnh này cũng được quy hoạch là trung tâm ngành tôm cả nước. Tỉnh cũng có Trung tâm Quốc gia về tôm (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Cùng với đó, năng lượng tái tạo cũng là điểm nổi bật với điện gió Bạc Liêu, đây là địa phương đi đầu phát triển điện gió trên biển. Ngoài ra, Bạc Liêu cũng đang tập trung phát triển các khu công nghiệp phục vụ chế biến thủy sản, năng lượng, hướng tới công nghiệp sạch, công nghệ cao. Còn về du lịch, Bạc Liêu có nhà công tử Bạc Liêu, đờn ca tài tử và du lịch văn hóa – tâm linh.
Sáp nhập Cà Mau và Bạc Liêu sẽ thành vựa tôm lớn nhất nước
Theo một số tài liệu, trong lịch sử Cà Mau và Bạc Liêu từng là một tỉnh. Cụ thể, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào tháng 2/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam.
Theo đó, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã được hợp nhất thành tỉnh Minh Hải với 2 thị xã là Minh Hải, Cà Mau và 7 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Châu Thành, Thới Bình, Trần Văn Thời và Ngọc Hiển.
20 năm sau, ngày 6/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải ra làm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thực hiện từ ngày 1/1/1997.
![]() |
Kinh tế 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu năm 2024. (Dữ liệu từ Cục Thống kê các địa phương) |
Về chủ trương sáp nhập tỉnh, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hữu Thành – nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau – đánh giá, nếu như Cà Mau và Bạc Liêu được xem xét sáp nhập với nhau thì đây là cơ hội lớn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không còn mang tính chất một tỉnh mà sẽ mang tính vùng, một số mặt hàng chủ lực của địa phương này sẽ vươn tầm thế giới.
“Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước với gần 300.000 ha kết hợp với Bạc Liêu đứng thứ nhì với gần 143.000 ha. Nếu hai tỉnh này nhập lại thì diện tích nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản sẽ dẫn đầu cả nước, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ khó có nơi nào cạnh tranh được. Đây là một vị thế, tiềm lực lớn cần được ủng hộ để phát triển lâu dài, mang tính cạnh tranh vùng, cạnh tranh quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo nội dung tại Tờ trình 624/TTr-BNV ngày 23/3/2025 của Bộ Nội vụ về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, dự kiến, cả nước sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay. Theo các tiêu chí định hướng sắp xếp, dự kiến cả nước có 52 đơn vị cấp tỉnh, thành phố thuộc diện phải sắp xếp, trong đó có tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. |
Theo