Tỉnh Quảng Ninh đã và đang nắm bắt cơ hội để mở rộng hợp tác thương mại, kết nối giao thương với thị trường tỷ dân Trung Quốc, tạo ra những đột phá mới.
Quảng Ninh với lợi thế địa lý là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đang không ngừng nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường lớn này. Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc cùng các nước ASEAN đang tích cực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN – Trung Quốc lên phiên bản 3.0, Quảng Ninh đã và đang nắm bắt cơ hội để mở rộng hợp tác thương mại, tạo ra những đột phá mới.
Cơ hội từ FTA ASEAN – Trung Quốc 3.0
Năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN – Trung Quốc phiên bản 3.0, qua đó mở ra nhiều hơn nữa cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã mang lại những kết quả đáng kể, góp phần thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế của cả hai địa phương. Nổi bật là tăng cường công tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các hoạt động giao thương, thúc đẩy liên kết vùng và trao đổi hàng hóa giữa hai bên. Theo đó, hai tỉnh – khu tiếp tục thực hiện vận hành hiệu quả cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc), cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) – Lý Hỏa (Trung Quốc); sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa cửa khẩu Ka Long (Móng Cái, Việt Nam) – Bến Biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc); tích cực phối hợp triển khai xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN 2024 (CAEXPO 2024). Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh |
Đồng thời, hai bên phối hợp triển khai các biện pháp tiện lợi hóa thông quan, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai bên, ưu tiên thông quan nhanh, thông quan trước đối với nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc là hàng nông, lâm, thủy hải sản… Tiếp tục phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước về xây dựng công trình qua biên giới – cầu Bắc Luân III và mở lối thông quan cầu Bắc Luân III thuộc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng, cửa khẩu quốc tế đường sắt Móng Cái – Đông Hưng, xây dựng công trình qua biên giới tại Lối mở cầu phao tạm Km3+4 và nâng cấp Lối mở Km3+4 và cửa khẩu Ka Long thành cửa khẩu song phương.
Đưa sản phẩm OCOP chinh phục thị trường Trung Quốc
Để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Việc tham gia các hội chợ thương mại quốc tế như Việt – Trung, CAEXPO đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, để tiếp cận và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng Trung Quốc.
Nhiều sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh đã được giới thiệu, trưng bày tại các kỳ hội chợ như: Trà hoa vàng Ba Chẽ; trà hoa vàng Quy Hoa (Hải Hà); ruốc hàu, ruốc tôm… (BAVABI); rượu mơ Yên Tử; miến dong Bình Liêu…
Thông qua các kỳ hội chợ, các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh cũng đã được tiếp cận và quảng bá sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Trao đổi với báo chí, đại diện Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại thủy sản Quảng Ninh (BAVABI) cho biết: “Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sản phẩm rất tiềm năng với nhiều sản phẩm của Quảng Ninh. Công ty chúng tôi đã có cơ hội để giới thiệu các sản phẩm đến người dân, doanh nghiệp của Trung Quốc như: Ruốc hàu, ruốc tôm, hàu khô, tinh bột hàu, dầu hào, bánh phồng hàu…Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các dây chuyền sản xuất và nghiên cứu thêm các sản phẩm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng và xuất khẩu”.
Việc tăng cường quảng bá sản phẩm, dịch vụ đặc trưng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp là những trọng tâm được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cường giao lưu, làm việc với các đại lý, doanh nghiệp Trung Quốc để giới thiệu về các sản phẩm đặc trưng và dịch vụ du lịch của tỉnh. Qua đó, tạo cơ hội kết nối, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước. Đẩy mạnh ngành nghề hóa, tiêu chuẩn hóa và thương hiệu hóa sản phm nông, lâm, thủy sản. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp hàng hóa Quảng Ninh đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường Trung Quốc và gia tăng sức cạnh tranh. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong tỉnh chia sẻ thông tin về nhu cầu, tiềm năng của thị trường, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp khác tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với đà tăng trưởng thương mại song phương, trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 148,6 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 105 tỷ USD, tăng 32,5%. Từ nay đến hết năm 2024, với đà cải thiện mạnh mẽ về thương mại trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc có thể tiến sát mốc 200 tỷ USD. |
Theo: Báo Công Thương