Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
Home Phát triển kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh): Sản phẩm OCOP vươn mình nhờ phát huy thế mạnh địa phương

Vân Đồn (Quảng Ninh): Sản phẩm OCOP vươn mình nhờ phát huy thế mạnh địa phương

by Bút Chì
Giám đốc HTX Cam 10/10 giới thiệu mô hình cam Vạn Yên.

Vân Đồn với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú từng bước khẳng định vị thế là địa phương đi đầu trong phát triển chương trình OCOP của Quảng Ninh.

 

Từ nguyên liệu địa phương đến sản phẩm chất lượng cao

Thời gian qua, huyện Vân Đồn đã không ngừng nỗ lực để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Nhờ những chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm của tỉnh và huyện, các cơ sở sản xuất đã có điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến và đóng gói.

Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của Vân Đồn ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn.

Giám đốc HTX Cam 10/10 giới thiệu mô hình cam Vạn Yên.
Người dân đang giới thiệu mô hình trồng cam Vạn Yên. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Với lợi thế về biển đảo và núi rừng, Vân Đồn sở hữu nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng. Để khai thác tối đa tiềm năng này, huyện đã tập trung vào việc phát triển các sản phẩm OCOP từ các nguyên liệu địa phương như hải sản, nông sản. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước mà còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, các sản phẩm OCOP của Vân Đồn đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Điều này giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trên các kênh trực tuyến cũng góp phần nâng cao giá trị và uy tín của các sản phẩm OCOP.

Một ví dụ điển hình là Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn đã và đang khẳng định vị thế của mình trên thị trường thủy sản với những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm hương vị biển cả. Với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, công ty đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần quảng bá hình ảnh của Vân Đồn.

Vận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tươi ngon, giàu dinh dưỡng từ biển đảo Vân Đồn, công ty đã cho ra đời nhiều sản phẩm đa dạng như sá sùng, cá, tôm, mực, hàu sữa… Đặc biệt, ruốc hàu Vân Đồn và ruốc tôm Vân Đồn đã được công nhận đạt chuẩn 4 sao OCOP.

Động lực phát triển kinh tế, nâng tầm sản phẩm địa phương

Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Vân Đồn. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP tiêu chuẩn cao không chỉ giúp gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống mà còn tạo ra những cơ hội mới, mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.

Xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn vốn được biết tới là vùng trồng cam lớn nhất của huyện Vân Đồn. Những năm qua, để đảm bảo chất lượng, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm cam Vạn Yên, các hộ dân, hợp tác xã đã tiến hành trồng, chăm sóc cây cam theo tiêu chuẩn VietGap. Đặc biệt, nguồn nước tưới cây được lấy từ các khe nước trong rừng sâu. Bởi vậy, cam Vạn Yên của huyện Vân Đồn nổi tiếng là một trong những loại nông sản tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh với vị thơm, ngon ngọt.Huyện Vân Đồn xác định cam Vạn Yên là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho người dân từng bước xóa nghèo, vươn lên có của ăn, của để.

Bà Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam 10/10 chia sẻ: “Cây cam đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và mang lại nguồn kinh tế ổn định cho những người nông dân xã Vạn Yên. Đến nay, cam của hợp tác xã đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, trên mỗi sản phẩm đều được dán tem truy xuất nguồn gốc”.

Việc xây dựng sản phẩm OCOP tiêu chuẩn cao đã góp phần kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương được nâng tầm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp tăng năng suất, giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo.

Để tăng giá trị đầu ra và tạo thương hiệu riêng cho các sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp cần tập trung vào một số hướng đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, kết nối với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đầu tư vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tạo dựng hình ảnh sản phẩm độc đáo, khác biệt. Tăng cường quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại.

Chương trình OCOP đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình. Các chủ thể tham gia chương trình có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ mới, được đào tạo nâng cao năng lực, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống được nâng cao.

Hiện nay, huyện Vân Đồn đã có 53 sản phẩm OCOP, trong đó có 41 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao.

Theo: Báo Công Thương

TIN TỨC QUẢNG NINH

Tintucquangninh.com là cổng thông tin điện tử hàng đầu, chuyên tổng hợp và cung cấp tin tức đầy đủ, đa chiều về tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu trở thành cầu nối thông tin đáng tin cậy, trang web không ngừng cập nhật những tin tức mới nhất, nhanh chóng và chính xác nhất, từ các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa đến đời sống xã hội.

@2024 – All Right Reserved. Ghi rõ nguồn khi trích dẫn thông tin từ Tintucquangninh.com