Năm 2024, Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Với sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, những giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh đã và đang không ngừng được vun bồi, nuôi dưỡng, phát huy, lan tỏa mạnh mẽ.
Lan tỏa mạnh mẽ
Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 đối với nhiệm vụ “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, các cấp, ngành, địa phương đã cụ thể hóa thành kế hoạch, phương án triển khai thực hiện với tiến độ, sản phẩm rõ ràng. Trong năm 2024, các hoạt động văn hóa từ tỉnh đến địa phương đã diễn ra sôi nổi, gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đa dạng về hình thức; hướng đến người dân và du khách trong nước, quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Theo đó, công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các nghị quyết, kế hoạch được đẩy mạnh. Sở VH-TT xây dựng các cụm thông tin, tuyên truyền cổ động trực quan về hệ giá trị văn hóa, con người; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3488/QĐ-UBND ngày 2/12/2024 của UBND tỉnh về ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Sở GD&ĐT thực hiện xây dựng tích hợp nội dung, bổ sung về hệ giá trị lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh vào tài liệu giáo dục địa phương và một số môn học khác ở mỗi cấp học; Trung tâm Truyền thông tỉnh đã sản xuất, đăng tải, phát sóng hơn 1.600 lượt tin, bài, ảnh, phóng sự, chuyên đề, chương trình trên các hạ tầng; Tỉnh Đoàn tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên Quảng Ninh với chủ đề “Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia chuyển đổi số toàn diện, phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”…
Toàn tỉnh đã tổ chức trên 120 cuộc thi, hoạt động triển lãm, trưng bày, hội diễn, công bố tác phẩm mới, trại sáng tác, hội thảo khoa học, diễn đàn với chủ đề về phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Các địa phương tổ chức trên 600 buổi văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm nâng cao chất lượng thụ hưởng văn hóa cho nhân dân.
Thực hiện mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức CT-XH tập trung tạo môi trường giáo dục, rèn luyện con người Quảng Ninh phát triển toàn diện, cả về đạo đức, lối sống, có lý tưởng, trách nhiệm, trình độ năng lực sáng tạo, có khả năng thưởng thức và sáng tạo cái đẹp, có mong muốn được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Nổi bật, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Thanh xuân dâng Đảng” nhằm góp phần nâng cao chất lượng phát triển đảng viên, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2024-2025 và đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 34/2024/QĐ-UBND ngày 17/9/2024 về quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức Hội, quỹ thuộc UBND tỉnh; Sở Nội vụ đã tham mưu xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về tặng thưởng danh hiệu “Công dân ưu tú tỉnh Quảng Ninh”.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm. Năm 2024 cũng đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc hoàn thiện nội dung xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Các địa phương chú trọng phục dựng các nét văn hóa truyền thống, giữ gìn các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số; duy trì các CLB văn nghệ dân gian; tổ chức các lễ hội đảm bảo theo quy định… tạo các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách.
Các phong trào thi đua “Toàn dân toàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở theo Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thụ hưởng văn hóa của nhân dân.
Kỳ vọng mục tiêu mới
Theo số liệu khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, đánh giá về mức độ quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh, 93% những người được hỏi đã khẳng định: Cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm tốt hơn trước trong việc xây dựng văn hoá, con người Quảng Ninh. Qua đó, thêm minh chứng cho thấy sự kiên định của tỉnh trong thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Phát huy kết quả tích cực đạt được năm 2024, năm 2025 tới đây, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 383-KH/TU ngày 26/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, tỉnh tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030; tích cực chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng miền núi, biên giới, hải đảo; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội… Cùng với đó, chuẩn bị và tổ chức tốt bảo vệ hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Kỳ họp thứ 47 năm 2025 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt là quan tâm, tăng nguồn lực ngân sách để đầu tư cho văn hóa; tiếp tục hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa, bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch; phát triển hoạt động văn học, nghệ thuật phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết hợp truyền thống với hiện đại; tăng cường kết nối giao lưu và quảng bá văn hóa, con người Quảng Ninh đến với các địa phương trong và ngoài nước…
Theo