Người dân địa phương xưa nay vẫn lưu truyền về sự tích ngôi chùa cổ có gắn với mẹ sư Tổ chùa Non Đông (phường Mạo Khê, TP Đông Triều). Câu chuyện mang đậm màu sắc huyền bí, nhưng ý nghĩa và gương sáng về lòng hiếu thảo của thiền sư đã được sử sách Phật giáo chép lại.
Đó là chùa Tường Vân (chùa Tế) – ngôi chùa nhỏ nằm trên quả đồi thấp thuộc khu Vĩnh Sinh của phường Mạo Khê. Trước năm 1980, ngôi chùa chỉ còn là phế tích với những cây thông cổ thụ, là nơi nhân dân địa phương hương khói thờ Phật. Nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương, năm 1986, chùa được chính quyền địa phương cho phép tôn tạo lại tòa tam bảo nhỏ thờ Phật. Sau này, nhà chùa đã huy động nguồn vốn xã hội hóa tôn tạo lại tam bảo, xây dựng nhà Tổ chùa, nhà tăng, nhà khách, tòa thờ Thánh Mẫu, các thánh Trần Triều, Sơn Trang và gác chuông…

Tại chùa, hiện còn lưu giữ 1 bia đá, đế hình lục lăng, mũ bia hình nấm tròn. Một mặt bia có khắc lưỡng long chầu nguyệt còn rõ. Cả 6 diềm bia khắc hoa văn trang trí đơn giản. Toàn bộ các chữ khắc trên 6 mặt bia đều bị mòn, mờ theo thời gian. Duy nhất trên trán 3 mặt bia có 6 chữ Hán tiêu đề bia được chạm to, mỗi mặt có hai chữ trong hai ô tròn hình cánh hoa đào. Chữ trên bia còn rõ, được các nhà nghiên cứu xác định là ghi nội dung tu sửa, tôn tạo chùa và tên của những người đóng góp công của, niên đại khắc bia đá vào thời Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Trong tam bảo thờ Phật có quả chuông đồng cao 80cm, nặng khoảng 100kg, được xác định đúc khoảng đầu thế kỷ XIX. Trên quả chuông có 4 chữ Hán nổi, dịch nghĩa Dưỡng Mẫu tự chung (chuông chùa Dưỡng Mẫu).
Chùa Dưỡng Mẫu gốc từ am Dưỡng Mẫu từ cuối thế kỷ XVII. Theo sách sử Phật giáo là nơi thiền sư Tông Diễn, hiệu Chân Dung (1640-1711), sư trụ trì chùa Non Đông (Tường Quang tự) thời Lê Trung hưng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, quê ở huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) đã đón mẹ ra, cho cất một am tranh nhỏ để mẹ ở đến khi qua đời.

Sử sách ghi, hồi nhỏ sư bị mẹ đánh sau khi thả giỏ cáy đã sợ bỏ nhà đi, hơn 30 năm sau khi đã là hòa thượng trụ trì bèn trở về quê, tìm được mẹ đang bán nước chè. Thiền sư không thổ lộ hết mọi thứ để nhận mẹ mà lại khéo léo sắp xếp để mẹ con vẫn được gần nhau lại còn hướng được cho mẹ tu hành. Sau khi mẹ mất, quán bán trà của mẹ, thiền sư lập ngôi chùa đặt tên là Mại Trà Lai tự. Nay là chùa Trà Lai còn có tên gọi chùa Phú Quân ở xã Định Sơn (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương). Chùa thờ sư Tổ Non Đông, đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2002. Còn am tranh nhỏ năm xưa, nơi hòa thượng đã đón mẹ đến ở, thiền sư đề tên là Dưỡng Mẫu đường. Người đời sau ca ngợi lòng hiếu thảo của thiền sư có hai câu: Dưỡng Mẫu đường linh thế thái vĩnh trường khan/Vọng mẫu tháp trí trà lai nhân tịnh đổ. Dịch nghĩa: Dưỡng Mẫu đường khiến người đời mãi nhớ/Vọng mẫu tháp trí trà lai mọi người thấy.
Thiền sư được hậu thế lưu danh bởi trí tuệ và đạo hạnh của một bậc cao tăng, đã có công khai hóa triều đình, giải trừ ách nạn của Phật giáo thời nhà Lê ở Đàng ngoài, đóng góp cho sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII. Thiền sư được vua Lê Hy Tông phong hiệu Đại Tuệ Quốc sư. Hoà thượng viên tịch ngày 16 tháng 7 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 triều Lê Dụ Tông tại chùa Non Đông. Trong truyền thuyết cho đến ngày nay, nhân dân vẫn truyền tụng thiền sư là “ông sư Cua”, “ông sư Cáy” hoặc “ông Tổ Cáy”…

Theo các nhà nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), ngoài đạo nghiệp, cuộc đời của thiền sư Tông Diễn là tấm gương sáng về người con chí hiếu. Với trí tuệ và lòng từ bi của một bậc chân tu, thiền sư làm tròn chữ hiếu bằng công hạnh tu tập, hành đạo của mình, độ mẹ qua biển khổ sinh tử. Thiền sư đã dùng lòng từ bi vô lượng và trí tuệ rạng sáng để hóa độ chúng sinh, thỉnh chư Tăng cầu nguyện để cứu mẹ thoát khỏi cảnh khổ…
Tại chùa Tường Vân, vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm, chùa tổ chức lễ hội Thượng Nguyên để nhân dân lễ Phật đầu xuân. Ngôi chùa gắn liền với câu chuyện cảm động về đạo hiếu của con dành cho mẹ. Dịp Vu Lan, chùa là điểm đến đầy ý nghĩa của nhiều phật tử. Trong năm, nhà chùa cũng tổ chức các lễ giỗ Tổ Non Đông…
Theo kế hoạch lễ Phật đản 2025, hưởng ứng Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc 2025 tại Việt Nam từ ngày 6 đến 8/5 tới, chùa Tường Vân là một địa điểm lớn tổ chức các hoạt động Đại lễ Phật đản.
Theo