Ngày 31.10, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này đã đồng ý chủ trương xây dựng quy định riêng về quản lý tiền công đức nhằm quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.
Dự kiến trong quý 4/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành quy định nói trên để kịp thời quản lý trong mùa lễ hội đầu năm 2025.
UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng quyết định của UBND tỉnh; chủ trì soạn thảo xây dựng dự thảo các nội dung về quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; tham mưu xây dựng văn bản đảm bảo theo quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật… và các quy định pháp luật hiện hành.
Quảng Ninh ước thu tiền công đức trên 200 tỉ/năm
Trước đó, tại Thông báo số 67/TB-VPCP ngày 7.3.2023, Văn phòng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2.2023.
Bộ Tài chính sau đó đã kiểm tra, kết quả cho thấy cả nước có 31.211 di tích lịch sử – văn hóa (có 31.581 di tích thành phần). Trong 31.581 di tích thành phần, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ.
Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo). Trong đó, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỉ đồng (75%). Có 63 di tích thu trên 5 tỉ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 là trên 67 tỉ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỉ đồng.
Theo: Báo Thanh Niên