Năm 2024, Quảng Ninh đã có nhiều đột phá trong công cuộc cải cách hành chính và chuyển đổi số, góp phần giải quyết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2013 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong lộ trình cải cách hành chính, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng chính quyền điện tử và trung tâm hành chính công. Đồng thời, tỉnh đưa vào hoạt động mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh cùng 5 trung tâm hành chính công cấp huyện tại Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả và Vân Đồn. Đây là một trong những bước khởi đầu quan trọng, cụ thể hóa chiến lược cải cách hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư, tạo tiền đề cho việc phát triển chính quyền số và cung cấp các dịch vụ hành chính công hiện đại. Đặc biệt, đây là mô hình đầu tiên trong cả nước triển khai dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức và cá nhân, khẳng định vai trò tiên phong của tỉnh.
Người dân được hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Tỉnh đoàn Quảng Ninh |
Sau hơn 10 năm kiên trì triển khai và xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Quảng Ninh đã ghi nhận những bước đột phá lớn. Tất cả các quy trình giải quyết TTHC được số hóa, thực hiện theo nguyên tắc “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử” thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Quy trình này đảm bảo rõ ràng về người thực hiện, công việc cần xử lý và thời gian giải quyết, giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, trên 77% hồ sơ hành chính đã được xử lý trực tuyến; 100% các khoản phí và lệ phí thanh toán qua phương thức không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, tỷ lệ xử lý hồ sơ toàn trình ở cả ba cấp chính quyền đạt hơn 82%, cao hơn 1,5 lần so với trung bình toàn quốc.
Nhờ những cải cách mạnh mẽ, thời gian giải quyết TTHC của Quảng Ninh được cắt giảm từ 40-60% so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, những thủ tục liên quan trực tiếp đến đầu tư như phê duyệt địa điểm, chấp thuận chủ trương đầu tư được rút ngắn tới hơn 70% thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời giảm thiểu chi phí không cần thiết. Hiện tại, 100% thủ tục hành chính cấp tỉnh đủ điều kiện (tương đương 1.367 thủ tục) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 908 thủ tục được thực hiện toàn trình.
Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến rộng khắp ở các cấp hành chính. Cấp tỉnh hiện cung cấp hơn 1.000 dịch vụ công, trong đó 628 thủ tục được thực hiện trực tuyến toàn trình, chiếm 62,8%. Ở cấp huyện, có 200 dịch vụ công trực tuyến, với 97 thủ tục toàn trình (48,5%). Tại cấp xã, con số này là 78 dịch vụ, với 31 thủ tục thực hiện toàn trình (39,7%). Hệ thống dịch vụ công trực tuyến không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý TTHC mà còn tạo sự thuận tiện tối đa cho người dân và tổ chức trong việc tiếp cận các dịch vụ công.
Nhằm hiện đại hóa hơn nữa, tỉnh đã triển khai mô hình “Tự động hóa Trung tâm phục vụ hành chính công” thông qua tương tác kiosk. Mô hình này cho phép người dân đăng nhập tài khoản dịch vụ công bằng VNeID hoặc căn cước công dân (CCCD), nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả qua bưu điện hoặc tài khoản dịch vụ công. Bên cạnh đó, tỉnh cũng áp dụng nhiều giải pháp thuộc Đề án 06 của Chính phủ, nổi bật là việc triển khai kiosk thông minh tự phục vụ, sử dụng CCCD gắn chip để hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TTHC mà không cần mang theo nhiều giấy tờ.
Từ tháng 7/2024, tỉnh bắt đầu ứng dụng VNeID trong giải quyết TTHC, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí khi thực hiện các biểu mẫu kê khai. Tài khoản VNeID có thể thay thế CCCD và nhiều loại giấy tờ khác như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, đăng ký xe… Hệ thống cũng đảm bảo bảo mật thông tin, tránh giả mạo và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao dịch trên môi trường điện tử. Với VNeID, người dân có thể nộp hồ sơ TTHC tại nhà và theo dõi tiến độ xử lý qua ứng dụng.
Song song đó, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát triển sáng kiến “Trợ lý ảo” dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Thử nghiệm tại ba điểm tiếp dân, “Trợ lý ảo” đã hỗ trợ xử lý gần 500 hồ sơ cư trú và hơn 1.500 hồ sơ cấp căn cước chỉ trong đợt cao điểm 45 ngày đêm triển khai Luật Căn cước từ ngày 1/7/2024. Tại Hội nghị đánh giá sáng kiến, Thiếu tướng Trần Nguyên Quân – Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an – khẳng định, đây là giải pháp sáng tạo và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn mới.
Những thành tựu trong cải cách hành chính và chuyển đổi số của Quảng Ninh không chỉ giúp nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh mà còn tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn diện theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm mang lại sự hài lòng cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng hiện đại, tiên tiến.
Theo: Báo Công Thương