Xác định liên kết du lịch là nhiệm vụ quan trọng, các doanh nghiệp, đơn vị ngành Du lịch đã tích cực tổ chức phối hợp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương nhằm xây dựng các gói sản phẩm liên vùng, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đa dạng và hạ tầng giao thông đồng bộ, sẵn có.

Đầu tháng 4/2025, Chi hội Khách sạn và Chi hội Lữ hành Quảng Ninh (Hiệp hội Du lịch tỉnh) tổ chức tọa đàm “Giải pháp kết nối dịch vụ khách sạn và lữ hành Quảng Ninh” bàn các giải pháp kết nối, hợp tác kinh doanh để thu hút du khách, phát huy sự liên kết chặt chẽ của các mắt xích trong chuỗi cung ứng du lịch. Các đơn vị đã chia sẻ về các giải pháp kết nối, hợp tác kinh doanh như: Xu hướng thị trường, nhu cầu của khách du lịch; nhu cầu buồng phòng tại các cơ sở lưu trú của lữ hành; thuận lợi, khó khăn trong quá trình liên kết… Các đơn vị đã cùng xây dựng, thống nhất các gói dịch vụ ăn, ngủ; giữ mức giá phù hợp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất phục vụ du khách. Các hội viên của Chi hội Khách sạn sẽ chủ động tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đầu tư hạ tầng. Hội viên của Chi hội Lữ hành sẽ tìm kiếm nguồn khách, xây dựng tour tuyến kết nối đến các cơ sở lưu trú. Cùng với đó, các đơn vị hội viên của 2 chi hội sẽ có chính sách giá riêng, ưu đãi cho nhau, cũng như ưu tiên sử dụng dịch vụ của các đơn vị liên kết.
Ông Lê Viết Hà, Giám đốc Công ty lữ hành Luxury Tours, cho biết: Những năm gần đây, nhiều điểm đến du lịch mới nổi lên ở khu vực miền Bắc làm tăng tính cạnh tranh trong khu vực. Việc liên kết giữa đơn vị lữ hành và khách sạn nói riêng và giữa các bộ phận của ngành Du lịch nói chung là một giải pháp phù hợp, tạo liên kết chặt chẽ, kích cầu du lịch mạnh mẽ cho địa phương. Từ các mối liên kết này sẽ tạo nên một thị trường du lịch bền vững. Một trong những yêu cầu của Công ty đối với các đơn vị lưu trú là cung cấp chất lượng dịch vụ tốt với giá thành phải chăng. Bên cạnh đó, gia tăng trải nghiệm cho du khách, tạo ra các sản phẩm mới, khai thác tối đa hạ tầng của khách sạn để du khách có trải nghiệm tốt nhất. Về phía các đơn vị lữ hành cũng chủ động đưa và giới thiệu khách đến các đơn vị khách sạn, đồng thời sử dụng các gói dịch vụ mà khách sạn sẵn có.

Để liên kết bền vững và lâu dài, các đơn vị lưu trú cũng chủ động phát triển dịch vụ, bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số. Bà Trần Thị Liễu, Phó Tổng giám đốc điều hành khách sạn Hoàng Gia Hạ Long, chia sẻ: Để nâng cao chất lượng dịch vụ, tôi rất mong các đơn vị nhanh chóng bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trực tiếp đào tạo cán bộ, nhân viên tham gia vận hành chuyển đổi số tại đơn vị. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ và thường xuyên trên các trang phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chất lượng dịch vụ, cập nhật thường xuyên các chính sách kích cầu, chương trình đặc biệt để người dân và du khách biết đến.
Trong bối cảnh hiện nay, liên kết được đánh giá là một trong những định hướng quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Bám sát định hướng đó, tỉnh Quảng Ninh đã liên kết, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Ninh Bình, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và những địa phương phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Giai đoạn 2024-2025, Quảng Ninh cùng với 7 tỉnh thành Đông Bắc cũng đã tăng cường phối hợp với TP Hồ Chí Minh, nhằm cung cấp, trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch dài hạn, tình hình hoạt động du lịch. Trên cơ sở tiềm năng phát triển của mỗi địa phương, nhóm liên kết đã lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng mới để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào khai thác, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước; kết nối doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành phố tổ chức khảo sát, xây dựng các tour, tuyến du lịch.
Đầu tháng 4/2025, tỉnh Quảng Ninh làm việc với các đơn vị lữ hành của TP Hồ Chí Minh, qua đó thông tin về các sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới và kế hoạch phát triển du lịch Quảng Ninh trong ngắn hạn và dài hạn đối với từng đơn vị lữ hành có các thế mạnh khác nhau về khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế, khách du lịch tàu biển cao cấp.
Không chỉ giới thiệu tới các doanh nghiệp lữ hành về các sản phẩm du lịch truyền thống cũng như các sản phẩm, điểm đến du lịch mà tỉnh Quảng Ninh mới đưa vào khai thác tại Vịnh Bái Tử Long; kết nối chuỗi điểm đến kết nối Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với Yên Tử sau khi được UNESCO công nhận Di sản thế giới; du lịch miền biên giới…, Tại các buổi xúc tiến du lịch trực tiếp này còn là dịp để ngành du lịch Quảng Ninh lắng nghe ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp lữ hành trong công tác truyền thông tới du khách, xây dựng các tour du lịch phù hợp với xu hướng; phối hợp quảng bá hình ảnh du lịch thông qua phim ảnh; thúc đẩy du lịch thông qua các sự kiện thể thao, âm nhạc, lễ hội, văn hóa…
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Hiệp hội nói riêng và ngành Du lịch nói chung luôn chủ động trong việc liên kết du lịch với các bộ, ngành, các doanh nghiệp, cũng như với các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện từ rất sớm. Nhiều đoàn khảo sát, kết nối đã đến các địa phương trong tỉnh để tìm hiểu sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, giá thành. Hiệp hội cũng chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng để giảm chi phí, hạ giá thành; xây dựng các chương trình quảng bá chào bán sản phẩm thu hút khách; giới thiệu các sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh có chương trình kích cầu, giảm giá phù hợp cho các đoàn lớn, kết hợp nhiều gói dịch vụ hấp dẫn, đẳng cấp để thu hút du khách.
Theo